phí sản xuất để mở rộng phạm vi tiếp cận của loại thuốc này tới các nước bị
sốt rét hoành hành nhiều nhất, chủ yếu ở châu Phi. Hướng nghiên cứu ưu
tiên số hai của trung tâm là hiểu rõ hơn cơ chế tác động của cây thuốc này
tới các tác nhân gây bệnh sốt rét. Nếu không thành công, làm sao có thể
nâng cao được công hiệu của thuốc? Và nhất là làm thế nào chống đỡ được
một tai họa hoàn toàn có thể thấy trước, và đã đang diễn ra, đó là tình trạng
kháng thuốc của virus?
* * *
Vậy có phải cuối cùng đã tìm ra phương thuốc tối ưu để loại bỏ sốt rét
khỏi hành tinh chúng ta?
Cuộc đời không mấy khi tin vào phép lạ, nhất là những phép lạ vĩnh
viễn.
Thứ nhất, dược lực của Artemisinin có mức độ khác nhau tùy thuộc vào
cây thuốc gốc, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu, kỹ thuật trồng và khai
thác…
Làm sao để duy trì ổn định chất lượng của thuốc được điều chế?
Thứ hai, ký sinh trùng sẽ học cách thích nghi với kẻ thù mới. Và sẽ
sớm có khả năng kháng lại loại thuốc này, như chúng đã từng cười vào mũi
Chloroquine.
Chẳng có gì là thành tựu vĩnh viễn.
Hơn bất kỳ ai khác, bà Đồ U U là hiện thân của cuộc chiến bền bỉ mà ta
gọi là nghiên cứu khoa học.
Đánh cắp thiên nhiên?
Việc “phát hiện” ra tác dụng chữa bệnh của các loại cây, như cây thanh
hao, đặt ra một câu hỏi tế nhị về vấn đề sở hữu. Ai sở hữu thiên nhiên?