Một cách tác động khác, nhờ một loại thuốc khác, cũng được bào chế
từ Đông y cổ truyền: thuốc Artemisinin, chính là thứ thuốc được nghiên cứu
và phát triển bởi bà Đồ U U người Trung Quốc, chủ nhân giải Nobel Y học.
Cơ chế tác động vẫn liên quan đến huyết sắc tố. Khi bị ký sinh trùng
hấp thu, huyết sắc tố giải phóng ra chất sắt. Với sự có mặt của Artemisinin
trong cơ thể, chất sắt được giải phóng sẽ tham gia vào một loạt phản ứng
hóa học và tạo ra các gốc tự do. Các chất ôxy hóa mạnh này làm tan rã màng
của ký sinh trùng. Lớp màng đầu tiên bị tác động chính là màng dạ dày
(thuật ngữ khoa học gọi là “không bào tiêu hóa”); lớp màng thứ hai bị tác
động là các ty thể (nhà máy sản xuất năng lượng cho tế bào) và lớp cuối
cùng là màng nhân tế bào (chứa DNA). Và ký sinh trùng sớm bị tiêu diệt.
Một lần nữa chúng lại đánh trả. Nhất là ở Campuchia, Myanmar, Việt
Nam… Chúng tạo ra một gen mới có khả năng ức chế phản ứng hóa học
giữa Artemisinin và chất sắt được giải phóng trong quá trình ký sinh trùng
tiêu hóa huyết sắc tố. Dấu chấm hết cho các gốc tự do và tác động ôxy hóa
của chúng. Các lớp màng của ký sinh trùng lại có thể bình yên vô sự. Và
bọn ký sinh trùng cũng thế.
Một số loại thuốc khác có tác dụng ngăn ký sinh trùng sinh sôi, bằng
cách ức chế quá trình chia tách của nhân tế bào.
Một số loại khác nữa tấn công vào quá trình ghi mã di truyền lên ADN.
Và quá trình nhân đôi của nhân tế bào ký sinh trùng bị hãm lại.
Thuốc kháng sinh thì làm hết khả năng có thể để ngăn chặn ký sinh
trùng sản xuất ra protein cần thiết nuôi cơ thể chúng.
Đừng tưởng rằng các nhà nghiên cứu của chúng ta đang nhẩn nha, cũng
đừng nghĩ họ nản lòng.
Không khoan nhượng, họ tấn công lũ ký sinh trùng, trên mọi mặt trận,
ở mọi giai đoạn trong chu kỳ sinh trưởng của chúng.
Họ liên tục phát minh ra những loại vũ khí mới để giáng cho kẻ thù
những đòn trí mạng.