Đồng thời, một binh đoàn lympho khác sẽ biến thành tế bào tiêu diệt,
và mục tiêu của chúng là những kẻ xâm nhập đã bị vô hiệu hóa.
Hồ sơ của kẻ xâm nhập sẽ vẫn được lưu trong bộ nhớ.
Trong trường hợp bị tấn công lần nữa, ngay lập tức các tế bào bộ nhớ
miễn dịch sẽ nhận ra đối tượng tấn công.
Cơ chế tự vệ của cơ thể sẽ phản ứng đáp trả, bằng việc huy động tế bào
ồ ạt tiết ra kháng thể vô hiệu hóa đối tượng xâm nhập mới, tiếp tục huy động
đội quân tế bào tiêu diệt và tăng cường hoạt động của tế bào bộ nhớ miễn
dịch.
Mỗi lần có đối tượng xâm nhập, cơ chế tự vệ tương tự sẽ được triển
khai với hiệu quả cải thiện qua từng đợt.
Không may thay, một số loại mầm bệnh, một khi đã bị hít, truyền, tiêm,
hoặc xâm nhập vào một vết thương, liền bắt đầu gây hại, thậm chí đôi khi
gây tử vong, trước khi cơ thể chúng ta có đủ thời gian chống trả một cách
hiệu quả.
Một khi quá trình viêm nhiễm đã bắt đầu thì thân ai nấy lo. Kể cả phía
mầm bệnh xâm nhập hay phía nạn nhân đang tìm cách chống lại, kết quả của
cuộc chiến hẳn nhiên phụ thuộc nhiều vào việc đó là loại mầm bệnh nào.
Nhưng cũng còn phải tính đến độ tuổi của người bệnh (người già, hay trẻ
nhỏ?), điều kiện sống (có bị suy dinh dưỡng không?), khả năng miễn dịch
(một số căn bệnh làm giảm khả năng miễn dịch, như HIV/AIDS, một số loại
thuốc điều trị cũng vậy).
Kết thúc cuộc chiến, kết quả có thể là bệnh nhân được chữa lành,
nhưng đôi khi kèm theo di chứng nặng nề. Cũng có một số bệnh nhân, kết
cục sẽ là tử vong.
Vậy tại sao lại chủng ngừa?
Bởi vì chúng ta chung sống trong cộng đồng và có đủ các loại hoạt
động trao đổi: đi du lịch, yêu nhau; những dịp gặp gỡ, với các cá nhân bị
bệnh hoặc khi có dịch, mầm bệnh, dù ít hay rất nguy hiểm, đều là một mối
đe dọa thường trực.