HỒI I
Sau khi cuốn sách của bà Carson được xuất bản, người ta bắt đầu quan
sát. Chỗ này cá chết sau khi phun DDT trên mặt ao. Các chỗ khác, người ta
nhận thấy từ khi dùng thuốc diệt côn trùng, chim cũng hiếm hơn, nhất là các
loài chim săn mồi, trong đó có đại bàng, loài chim biểu tượng trên quốc huy
của nước Mỹ. Nhiều hiệp hội ra đời, tất cả đều lên tiếng yêu cầu cấm sử
dụng sản phẩm này. Các nhà khoa học khẳng định DDT là một chất độc mà
nồng độ độc tăng lên qua từng mắt xích của chuỗi thức ăn. Vì thế nó tấn
công nhiều nhất vào các loài động vật ăn thịt, ví dụ như các loài chim săn
mồi. Ngoài ra chất này đặc biệt độc hại đối với đa số các loài thủy sinh.
Cuối cùng, người ta cũng chứng minh được rằng đó là “một chất gây ô
nhiễm hữu cơ lâu dài”: thời gian gây hại của nó có thể lên tới mười lăm năm
trong đất và hàng chục ngày trong môi trường nước chảy. Vụ việc gây nhiều
tiếng vang. Ngay vào năm 1970, Thụy Điển và Na Uy ra lệnh cấm sản phẩm
thần kỳ này. Tất cả các nước khác rồi cũng quyết định tương tự.
Việc cấm DDT được công nhận chính thức trong Công ước Stockholm
ngày 22 tháng Năm năm 2001: một trăm năm mươi tám nước ký án tử đối
với sản phẩm này.
Đây hẳn là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại các quan ngại về vấn đề
môi trường được cộng đồng quốc tế quan tâm, và bắt buộc phải thay đổi thói
quen sử dụng.
Triệt để và không chậm trễ.
HỒI II
Sau khi DDT bị cấm, loài muỗi trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết với
đoàn tùy tùng là các căn bệnh chúng mang theo.
Bệnh sốt rét cũng nằm trong số đó. Vậy liệu DDT có đỡ nguy hiểm hơn
là không - DDT?
Cuộc tranh luận bùng nổ, với sự gay gắt chưa từng có. Các nhà hoạt
động môi trường bị quy kết là những kẻ giết người, giết hàng triệu người: