“Để có cơ may chiến thắng, tốt hơn là nên hiểu rõ kẻ thù, phải vậy
không? Frédéric Simard lập luận. Công hiệu (tạm thời) của DDT đẩy chúng
ta tới sự lười biếng. Vì chỉ cần phun DDT là diệt được muỗi, sao lại phải
khổ sở tìm hiểu thêm? Và sao lại phải tuyển dụng các nhà côn trùng học làm
gì? Đúng là DDT đã diệt rất nhiều muỗi, nhưng ‘sản phẩm thần kỳ’ này
cũng đã kìm hãm tiến bộ của khoa học.”
Ở khu vực khác trong tòa nhà, tôi được chỉ cho xem các sơ đồ bản vẽ
và ảnh chụp của các “lồng bẫy”. Mô hình này được xây dựng ở nhiều ngôi
làng châu Phi và châu Á, để đo hiệu quả của các loại màn chống muỗi khác
nhau cũng như cách lắp sao cho tốt nhất. Frederic nói tiếp:
“Ai cũng biết là phòng ngừa - với lĩnh vực của chúng ta chính là ngăn
không cho muỗi chích - từ lâu đã luôn là cách tốt nhất để đầy lùi bệnh dịch.
Nhưng phòng ngừa cũng có một điểm yếu: không có thêm sản phẩm mới
được đưa ra thị trường. Ai mà quan tâm đầu tư cho một hoạt động không
mang lại doanh số?”
Nghe ông nói, tôi nghĩ câu chuyện đó đúng với toàn bộ ngành y của
nước Pháp. Đúng là dịch vụ y tế của ta vẫn không thể chê trách, nhưng sức
khỏe của người dân nói chung đang đi xuống, chính là do thiếu sự phòng
ngừa. Có phải sở dĩ các cơ quan quản lý cứ không ngừng nói về chuyện
phòng ngừa là bởi đó là phương cách tốt nhất đối với họ để hoãn lên hoãn
xuống việc triển khai thực hiện hay không?
Quay về văn phòng, đã đến lúc đề cập đến chủ đề đó, cái chủ đề gây
giận dữ đó. Phó giám đốc trung tâm MiVEGEC François Renaud đến gặp
chúng tôi. Ông cũng là một nhà khoa học lớn. Tôi thấy hơi căng thẳng.
Nhưng tôi cũng đã chuẩn bị rồi. Đã đọc rất nhiều tài liệu về chủ đề này.
Và trong tranh luận, tôi cứ hay lừng khừng, lúc nghiêng sang bên này, lúc
nghiêng sang bên kia… Ban đầu, sự thiếu hiểu biết của tôi khiến tôi ngờ
vực. Tôi không có một tín ngưỡng nào cả. Giống như một sinh viên già nhút
nhát - tôi còn là ai khác được nữa chứ? -, tôi rút ra một tờ giấy, trên đó đã
tóm tắt ngắn gọn câu hỏi tôi định hỏi. Và trước ánh mắt ngạc nhiên của ông
giám đốc, tôi đọc nó lên.