Thời đại đồ đá mới
Tôi sẽ dẫn bạn đi.
Trước tiên tới Lưỡng Hà, tám nghìn năm trước Công nguyên.
Vùng đất nằm giữa sông Tigris và sông Euphrates, mà ngày nay là
Syria, là Irak, là chiến tranh, nơi ngày xưa đã từng chứng kiến sự phát triển
của nền văn minh rực rỡ nhất, có lẽ chính từ đây mọi thứ đã bắt đầu.
Bởi ta không bao giờ được nhầm lẫn điểm khởi đầu của lịch sử. Nhầm
sẽ không có bước đà, nhầm sẽ không thể có bước lùi để mà chọn đúng bước
tiến.
Và từ nay tôi biết rằng lịch sử thực sự của loài muỗi bắt đầu từ thời đại
đồ đá mới.
“Thời đại đồ đá mới” gọi theo tiếng Hy Lạp là “neolithic”.
Chính ở thời kỳ này của lịch sử, con người đã phát triển hoàn thiện kỹ
thuật đẽo gọt, mài nhẵn đồ đá. Chính vào thời kỳ này, tại vùng đất hình lưỡi
liềm màu mỡ đó, nền nông nghiệp ra đời. Thay vì chỉ hái lượm, và săn bắt,
thay vì chỉ lấy đi, con người học cách trồng trọt từ hạt và nuôi thuần hóa các
loài thú.
Về sau này, nhiều cái nôi của “sự hiện đại” này cũng xuất hiện ở các
nơi khác, châu Âu, Nam Á, chắc hẳn là qua các luồng di cư từ từ. Những
vận động tương tự cũng được ghi nhận ở Peru, Mexico, vốn không có bất kỳ
tiếp xúc nào với cư dân vùng đất hình lưỡi liềm.
Vốn dĩ lười biếng, thực ra là rất thích tóm tắt, giản lược và nhanh gọn,
nên ta thường hay nói tắt thành “cách mạng đồ đá mới”, trong khi thực ra
phải dùng từ “tiến hóa” mới đúng. Hẳn nhiên, phải cần hàng nghìn năm mới
phổ biến được các phương thức sản xuất nông nghiệp, phải dò dẫm, trải qua
nhiều thất bại, đạt được những tiến bộ, và không tránh được những bước
thụt lùi.