Nhưng, quan hệ giữa con người và môi trường đã thay đổi: từ chịu
đựng, con người muốn thống trị môi trường. Quan hệ giữa con người với
các loài động vật cũng đảo lộn: từ săn bắt, con người thuần hóa chúng. Và
mối gắn kết trở nên chặt chẽ hơn: từ nay, con người sống cùng với đàn dê,
đàn cừu, đàn bò… của mình.
Để trồng trọt, cần phải vỡ hoang. Thế là lại phải đuổi cư dân của cánh
rừng bên cạnh đi nơi khác. Có vẻ như bệnh dịch đầu tiên tấn công loài người
là bệnh sởi, cách đây… tám nghìn năm. Bệnh dịch này lây lan từ hai con bò
bị mắc một loại bệnh kiểu như dịch hạch.
Từ thời Lưỡng Hà đến nay, chẳng có gì thay đổi.
Ngoại trừ tốc độ phá rừng tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của những
con người ngày càng trở nên đông đúc và ngày càng đổ dồn về các thành
phố.
Giờ ta hãy đi thăm Jean-François Saluzzo, Pierre Vidal và Jean-Paul
Gonzalez, những nhà sử học lớn nghiên cứu về sự phát triển của virus
.
Bán đảo Triều Tiên, năm 1950.
Một phong trào phát triển sản xuất lúa gạo lớn được khởi động. Hân
hoan trước tin vui, lũ gặm nhấm bắt đầu sinh sôi nảy nở. Chúng mang virus
trên mình, nhưng chẳng hề thấy bất tiện chút nào: hai bên đã thích nghi với
nhau. Tiến hóa cùng nhau. Nhưng một ngày đẹp trời, bọn virus vượt biên và
xâm nhập cơ thể người. Vốn vô hại đối với loài gặm nhấm, virus truyền
sang cơ thể người lại gây cho chúng ta chứng xuất huyết đáng sợ. Nếu dịch
bệnh chỉ lây lan trong phạm vi những người nông dân trồng lúa địa phương,
hẳn báo chí quốc tế không mấy bận lòng. Nhưng rất nhiều người mắc bệnh
lại là lính Mỹ tham chiến tại bán đảo Triều Tiên trong một cuộc chiến khủng
khiếp chống lại quân Trung Hoa và Liên Xô…
Và Saluzzo, Vidal và Gonzalez đã định nghĩa rất chuẩn: thế nào là bệnh
dịch mới nổi? Đó là căn bệnh bắt đầu tấn công các nước giàu.