Argentina, năm 1953.
Một loại sốt xuất huyết khác. Nó tấn công các công nhân nông trường.
Năm nghìn người chết mỗi năm. Lần này, lịch sử lại gắn với cây ngô. Giống
như ở bán đảo Triều Tiên, nhờ sử dụng ồ ạt thuốc diệt cỏ, năng suất ngô tăng
lên, thu hút rất nhiều loài gặm nhấm, phần lớn đều mang một loại virus nào
đó, an toàn cho chúng nhưng nguy hiểm cho con người. Khi còn chưa đông
và còn sống trong rừng, chúng không gây nguy cơ gì đối với con người.
Nhưng lúc hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tăng lên là lúc mọi thứ thay
đổi.
Tiến bộ kỹ thuật muôn năm! Ai mà không hân hoan chào đón sự ra đời
của máy gặt đập liên hợp, giải phóng người nông dân khỏi bao công việc
nặng nhọc? Nhưng những cỗ máy kỳ diệu đó, khi làm thay công việc của
con người, cũng nghiền luôn các loài gặm nhấm, làm các mảnh thân thể
chúng bắn đi chỗ này chỗ kia, kèm theo cả phân của chúng, phần nhiễm
khuẩn nặng nhất. Chỉ cần hít thở không khí thoáng đãng của vùng quê thôi
cũng đủ khiến người ta ngã bệnh.
Hoa Kỳ, năm 1993.
Dịch viêm phổi bất ngờ tấn công vào vùng đất xưa thuộc về người da
đỏ Navajo, nằm giáp ranh với bốn bang: Utah, Colorado, Arizona và New-
Mexico. Cùng một nguyên nhân: vụ ngô bội thu đã thu hút loài gặm nhấm
tới và chúng sinh sôi nảy nở ở đó.
Câu chuyện rừng thẳm
Và dưới đây là câu chuyện Didier Fontenille kể với chúng tôi vào một
buổi tối tháng Năm đẹp trời, trong ngôi nhà bên bờ sông Mekong.
Hãy nhớ rằng đây là câu chuyện về toàn cầu hóa, mặc dù các thiên
đường thuế chẳng có vai trò gì ở đây, mặc dù nhân vật chính không phải Bill