II
GUYANE THUỘC PHÁP
Ngày 5 tháng Tám năm 1498, trong chuyến hải hành lần ba,
Christopher Columbus đến được bờ biển Guyane. Vincente Yanez Pinson,
một trong các thuyền trưởng của đoàn, cập bờ muộn hơn, vào mùa hè năm
1500: một trận bão đã ném ông lên một dải cát. Thời kỳ đó, có khoảng ba
mươi nghìn thổ dân châu Mỹ sinh sống trên vùng đất mênh mông nằm ở
phía Bắc rừng Amazon này. Vài thập kỷ sau, họ chỉ còn lại vài nghìn người,
số còn lại đã bị giết hại bởi những người đi chinh phục và các căn bệnh họ
mang theo. Nói công bằng thì người châu Âu cũng bị chết, rất nhiều, vì
không quen khí hậu, và các loài vi sinh vật, vừa nhiều vừa độc hại. Tiếp sau
đó là bốn thế kỷ tìm cách lập cư ở vùng đất này nhưng không thành. Thảm
họa Kourou vẫn còn được ghi trong các cuốn sử ký. Mười lăm nghìn người
Pháp đã đến đây vào năm 1764, chủ yếu là người từ hai vùng Alsace và
Lorraine. Họ bị dụ dỗ trước viễn cảnh có thể nhanh chóng giàu sụ. Nhưng
điều chờ đợi họ lại là bệnh kiết lỵ, sốt vàng da, giang mai… Chỉ trong vài
năm, mười hai nghìn người trong số họ đã bị quật ngã. Những người sống
sót ẩn trốn trên một hòn đảo mà họ gọi là “đảo Cứu rỗi”.
Trong thời gian đó, nhiều thế lực Ki tô giáo vẫn tìm cách kiểm soát
cộng đồng này.
Người Pháp cuối cùng đã chiến thắng. Hai bên trọng tài đã vạch ra các
đường biên giới, một do sa hoàng đặt ra bằng cách chọn sông Maroni làm
biên giới phía Tây, biên giới còn lại do một ủy ban của… Thụy Sĩ vạch ra.
Ủy ban này chọn sông Oyapock là ranh giới phía Đông. Bên kia sông là bắt
đầu lãnh thổ của Brazil.