Sau phút ngỡ ngàng trước sự hoành tráng của công trình, hãy cùng đi
thăm một chút xung quanh. Đây đó là một vài nghĩa trang nằm rải rác bình
lặng trong những cánh rừng, nhắc nhở chúng ta về số phận không may của
những người mở đường. Người Pháp chính quốc, người Pháp thuộc địa,
người Ba Lan, người Ý, và cả rất nhiều người Panama… Hai mươi sáu
nghìn công nhân đã phải bỏ mạng cho công trình khổng lồ này. Và chủ yếu
là do bệnh tật (sốt rét và sốt vàng da).
Ngay trung tâm phố cổ của Panama, chính xác là trước mặt nhà thờ lớn,
tức là cách rất xa các tòa nhà ngày nay là nơi ra vào nườm nượp các chủ
ngân hàng và luật sư, những thiên tài bất hảo trong chuyện rửa tiền, có tòa
nhà cổ Grand Hotel, trước đây thuộc sở hữu của một người Pháp vùng
Alsace (quý ngài Georges Loew tôn kính), sau đó được công ty quản lý kênh
đào Panama mua lại vào năm 1888 để làm trụ sở. Ngày nay, đây là một bảo
tàng tuyệt vời, nơi bạn có thể biết được mọi điều về cuộc sống (xa hoa với
người này, địa ngục với người khác) của những người thợ xây thời đó. Bạn
sẽ hiểu hơn về những thách thức kỹ thuật kinh khủng đặt ra cho họ, và rất
nhiều hình ảnh kinh hãi đang chờ đợi bạn. Bạn sẽ thấy gương mặt của những
người bệnh bị hủy hoại bởi cơn sốt.
Các kỹ sư người Pháp tưởng có thể thực hiện bằng cách đơn giản nhất
là đào một con kênh nối hai đại dương. Nhưng họ có một trở ngại là dây núi
Cordillera Central. Dù “nhỏ” nhưng trở ngại này lại rất khó vượt qua. Một
phương án khác nhanh chóng được lựa chọn: xây đập để giữ nước từ nhiều
con sông, trong đó có sông Chagres. Kết quả là một hồ lớn được hình thành,
ở chính trung tâm của bán đảo. Ở độ cao hai mươi sáu mét so với mực nước
biển. Chỉ cần nâng tàu lên hồ, sau đó hạ tàu xuống khi sang đến bờ hồ bên
kia. Điều này lý giải vì sao trước tiên kênh đào Panama, không giống như
những gì người ta thường nghĩ, lại là một hệ thống âu tàu với nhiều mức
thang nâng.
Liệu hồ nước mênh mông này có phải là nguồn cơn sinh sôi hàng bầy
côn trùng không ngừng quấy nhiễu bạn?