_Richard Posner_
Cùng đối tượng là cuộc khủng hoảng tài chính nhưng hai công dân nổi
tiếng của thành phố lại có hai cách lý giải khác nhau. Người đầu tiên đổ lỗi
cho “những kẻ xấu” – những người đang hoạt động trong hệ thống tài chính
của chúng ta, người thứ hai cho rằng lỗi là ở hệ thống mà “những kẻ xấu”
này đang hoạt động. Ai đúng? Cả hai đều đúng nhưng thậm chí nếu kết hợp
hai ý kiến lại thì vẫn không phải câu trả lời hoàn chỉnh.
Phải chăng một vài cá nhân tham lam hoặc có ý đồ xấu đã góp phần
vào cuộc khủng hoảng? Chắc chắn là như vậy! Như Tổng thống Obama đã
nói, những người tư lợi cá nhân có dính líu đến hành vi bất hợp pháp đã
gây ra cuộc khủng hoảng và những kẻ phạm tội này phải bị bắt. Phải chăng
bất kỳ một hệ thống tài chính nào cũng được dự liệu sẵn là sẽ sản sinh ra
hành động như vậy? Một lần nữa, điều đó là chắc chắn! Nhiều thể chế, luật
lệ và những quy tắc cần được sửa đổi hơn bao giờ hết.
Điều còn thiếu trong những lời phân tích này là thực tế có hàng nghìn
người đang thờ ơ một cách đáng trách. Họ nghĩ rằng những việc họ làm có
vẻ như vô hại, họ không ý thức được sai trái của mình: người cho vay thế
chấp chỉ mơ hồ hiểu rằng khách hàng không có đủ điều kiện tài chính để
chi trả cho những ngôi nhà họ mong muốn, các nhà phân tích thì tạo ra
những chứng chỉ bảo lãnh mà không hiểu hết phản ứng dây chuyền của sản
phẩm, các thương nhân bán chứng khoán trong khi không nắm bắt được sự
phức tạp của chứng khoán, các chủ ngân hàng cho vay quá nhiều và các
nhà quản lý vì chịu ảnh hưởng từ những nỗ lực vận động hành lang và đóng
góp cho chiến dịch của các ngân hàng đầu tư mà đưa ra các quyết định
mang tính thiên vị. Cuộc khủng hoảng cũng liên quan đến vô số người đã
nhận thức được hành vi phi đạo đức của người khác tuy nhiên có rất ít hoặc
không có bất kì sự phản ứng nào vì cho rằng “Ai đó thông minh hơn mình
hẳn đã hiểu mọi việc diễn ra như thế nào”, như Business Week suy đoán.