Sau cuộc nói chuyện với De Castries, De Mecquenem và các sĩ quan cao
cấp được triệu tập nhanh chóng trong hầm chỉ huy của anh ta. Đúng lúc đó,
một quả pháo có ngòi nổ chậm đã rơi xuống hầm và nổ tung. Đó là sự tái
diễn của thảm hoạ ở Béatrice. Thiếu tá De Mecquenem bị thương nặng và
nằm bất tỉnh, một chân của Thiếu tá Kah bay mất và nhiều sĩ quan khác bị
thương nặng. Đường dây liên lạc của bốt chỉ huy với các đại đội của Tiểu
đoàn 5 và hầm chỉ huy của De Castries bị cắt đứt. Gabrielle tạm thời như
một chiếc tàu khu trục không người lái. Sau mấy phút, đài phát của Đại uý
Gendre Đại đội 3 đã liên lạc được với sở chỉ huy. Gendre giải thích những
gì đã xảy ra và yêu cầu cho tăng cường quân. Sở chỉ huy hứa mở một đợt
phản kích vào lúc hoàng hôn và yêu cầu đơn vị anh ta canh giữ vị trí cho tới
lúc đó.
Các sĩ quan của Tiểu đoàn dù Lê dương số 1 và Tiểu đoàn dù xung kích số
8 đã mong chờ để được tham gia vào cuộc phản kích cứu Gabrielle. Thiếu
tá Séguin-Pazzis đã chuẩn bị kỹ một kế hoạch chi tiết cho đợt phản công
này. Nó tính tới khả năng các cuộc hành quân của đối phương để ngăn chặn
lực lượng giải vây từ phía bắc dọc theo đường mòn. Các chỉ huy lính dù đã
xác định chỗ cạn của sông Nậm Rốm ở bản Kê Phai, nơi lính công binh đã
dựng tạm một chiếc cầu phao, như một vị trí thích hợp cho lực lượng ngăn
chặn của Việt Minh. Nhưng lính dù với sự hộ tống của 3 xe tăng M-24 đã
rất tự tin mở đường tiến lên.
Sự thay đổi đột ngột ở phút cuối của Trung tá Langlais đã làm cho kế hoạch
bị đảo ngược. Đòn nghi binh của đối phương vào Dominique làm cho ông
ta phải cân nhắc tới tính khả thi của một cuộc tấn công qui mô lớn vào khu
phòng thủ bên trong của Điện Biên Phủ. Tiểu đoàn dù Lê dương số 1 đang
chiếm giữ các vị trí bảo vệ cho phía Nam của Junon và phía Tây của
Claudine. Tiểu đoàn dù xung kích số 8 đang bảo vệ đường băng. Langlais
có lẽ phải nhờ tới họ nếu có một cuộc tấn công vào Dominique. Vì thế, ông
ta đã quyết định giao đợt phản kích này cho Bawouan 5.