Thoạt đầu Xalanh là phó chỉ huy. Trong cuộc hành quân Hải li ông nhường
vị trí cho đại úy Lamuliát và cùng dại đội 1 tham gia các "cuộc trinh sát tiến
công" xung quanh Điện Biên Phủ. Xalanh nghĩ rằng Turê cuối cùng sẽ nhận
ông nhưng ông đã nhầm. Ngày 14, một ngày sau cuộc tấn công của tướng
Giáp, ông đã nhận được lệnh thành lập điểm tựa Đôminíc 4 ở phía đông bắc
của vị trí tiểu đoàn 8 xung kích, trong một khúc uốn của sông Nậm Rốm.
Đó không phải là điều được xem như là ân huệ.
“Turê cử tôi đến Đôminíc 4 gần như để cách li, Xalanh viết, không bao giờ
triệu tôi đến sở chỉ huy tiểu đoàn và chẳng bao giờ đến gặp tôi ở điểm tựa
chỉ cách đó 200 mét. Với những cuộc hành quân ở ngoài, ông ta chỉ gửi cho
tôi một thông báo bằng rađiô và xác định nhiệm vụ của tôi, chẳng nói rõ với
tôi tình hình hoặc các yểm trợ có thể có”.
Turê có ghét Xalanh đến mức tố cáo ông ta trước công luận trong những
năm tới sau Điện Biên Phủ không? Không phải là không thể vì ông cho
gạch tên Xalanh trong danh sách đề bạt theo đề nghị của cấp trên và không
bao giờ đề nghị tuyên dương Xalanh, lại còn có những nhận xét rất xấu, đẩy
Xalanh phải rời bỏ quân đội. Một chi tiết rất quan trọng: Xalanh được tuyên
dương ba lần ở Điện Biên Phủ, trong đó hai lần trước hành quân, theo đề
nghị của trung tá Lăng le, trái lại Lăng le không có đề nghị nào về Turê.
Quả thật là Lăngle có tranh chấp với tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8 xung kích
và những nguyên nhân như nhau thì dẫn đến những hậu quả như nhau...
Chúng ta sẽ hiểu khi nghe tướng Cônhi trình bày trước ủy ban điều tra:
“Tôi rất quý mến Lăng le với tư cách là một người lính nhưng ông ta
thường rất dễ bị kích động. Tôi đơn cử một ví dụ điển hình. Vào đầu chiến
dịch tôi có nhận được một đề nghị cấm trại đại uý Turê 30 ngày vì không
chấp hành mệnh lệnh. Tôi yêu cầu giải thích và câu trả lời là một sự luận tội
của Lăng le đối với Turê trong một bản báo cáo cay độc nhất. Tôi tỉnh táo
chờ đợi ít lâu và vài ngày sau thì Turê lại được tâng bốc lên tận mây xanh.