Nguyễn Tử Quang
Điển hay tích lạ
Đằng Vương Các Tự
Vương Bột tự Tử An, người đất Long Môn. Sáu tuổi đã biết làm văn.
Mười sáu, mười bảy tuổi nổi danh hạ bút nên vần.
Vương có thói quen, mỗi khi làm văn, mài mực sửa soạn nghiên bút rồi
nằm đắp chăn ngủ. Khi tỉnh dậy, cầm ngay bút viết. Vương nổi tiếng là một
thi sĩ cao danh thời Sơ Đường (618-713).
Con của vua Cao Tông nhà Đường bấy giờ làm Thái Sử ở Hồng Châu,
được phong là Đằng Vương, có dựng một cái gác bên sông Tầm Dương gọi
là "Đằng Vương Các". Lúc Diêm Bá Dư ra giữ chức Đô Đốc Hàng Châu,
đặt tiệc tại gác Đằng Vương để thết tân khách. Muốn khoe tài chàng rể, bảo
làm trước một bài tự, rồi mời tất cả các nhà quyền quý, các mặc khách tao
nhân xa gần đến dự; và yêu cầu mỗi người làm một bài tự ngay bữa tiệc.
Vương Bột lúc bấy giờ, tuổi vừa 15, 16. Hay tin ấy, nhưng vì đường xá
xa xôi có mấy trăm dặm, không đến họp được, lấy làm tiếc. Một ông già
khuyên chàng cứ sửa soạn thuyền buồm, tự nhiên sẽ có gió thổi. Quả nhiên
đêm đó có gió lớn. Vương cho thuyền khởi hành, và hôm sau tới Đằng
Vương các vừa kịp lúc vào tiệc.
Thấy Vương Bột, viên Đô Đốc họ Diêm khinh là con nít, miễn cưỡng
cấp giấy bút. Nhưng cho người đứng bên cạnh Vương, hễ Vương viết được
câu nào thì chép lại cho ông xem.
Mới đọc hàng đầu, họ Diêm đã ngạc nhiên vì lời già giặn. Đến câu:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi,
Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc
Nghĩa:
Ráng chiều với cò lẻ cùng bay,
Nước thu cùng trời dài một sắc
thì ông vô cùng khâm phục.
Bài của họ Vương đặc sắc hơn tất cả. Từ đó, danh càng vang dậy khắp
nơi.