ĐIỂN HAY TÍCH LẠ - Trang 249

Hàn Tín cho là phải nhưng không nghe theo để đề phòng. Sau Hàn Tín bị
vua lừa bắt tại Vân Mộng, kết án mưu phản, toan đem xử tử. Hàn Tín thở
dài, than:
- Chim rừng hết thì cung ná quăng, chồn thỏ hết thì chó săn chết, nước giặc
phá thì mưu thần mất, nay thiên hạ định thì tôi phải chết.
May nhờ trung thần là Đại Phu Điền Khẳn can gián nhà vua nên Tín được
tha, nhưng bị tước hết binh quyền. Tuy vậy, cuối cùng, Tín bị vợ của Hán
Vương là Lữ Hậu tên Lữ Trỉ âm mưu dụ bắt Hàn Tín và xử tử tại Vị Ương
Cung.
Người đời sau có làm hai bài thơ tứ tuyệt tiếc Hàn Tín. Trong đó có những
câu:

Mươi năm chinh chiến công lao nặng,
Một phút phủi rồi uổng xiết chi.

Và:

Chim hết ná quăng đà chẳng biết,
Hoài âm sao chẳng sớm lo âu.

Ở nước Việt Nam đời nhà Nguyễn (1802-1945), vua Gia Long Nguyễn Ánh
sau khi thống nhất đất nước lại có ý nghi kỵ các công thần có tài cán lật đổ
ngai vàng của mình, nên tìm dịp để giết hại. Nguyễn Văn Thành có tài thao
lược đã theo phò Gia Long từ lúc còn nhỏ, lận đận lao đao với nhà vua,
cũng như Đặng Trần Thường có tài văn học, trốn Tây Sơn vào Gia Định
giúp vua, thế mà cả hai ông đều bị xử tử vì những lỗi tầm thường.
Tương truyền Đặng Trần Thường khi còn bị giam trong ngục, có làm bài
"Hàn Vương tôn phú" bằng quốc âm để ví mình như Hàn Tín đời Hán.
Sử gia Việt Nam, Trần Trọng Kim, soạn giả quyển "Việt Nam sử lược",
chép về đoạn này có viết: "...chỉ hiềm có một điều là khi công việc xong
rồi, ngài không bảo toàn cho những công thần, mà lại những chuyện nhỏ
nhặt đem giết hại những người có công với ngài, khiến cho hậu thế ai xem
đến những chuyện ấy cũng nhớ đến vua Hán Cao, và lại thở dài mà thương
tiếc cho những người ham mê hai chữ công danh về đời áp chế ngày xưa".

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.