Nguyễn Tử Quang
Điển hay tích lạ
Ngũ Kinh
Ngũ Kinh (năm quyển sách) cũng như Tứ Thư là những sách làm nền tảng
của Nho giáo. Nguyên trước có sáu kinh nhưng vì sự đốt sách của Tần
Thủy Hoàng (246-209 trước D.L.), một kinh là kinh Nhạc (âm nhạc) bị mất
đi. Kinh này chỉ còn lại một thiên, sau đem vào sách Lễ ký (kinh Lễ), đặt là
thiên Nhạc ký.
Ngũ Kinh là:
1/ Thi (thơ), do đức Khổng Tử sưu tập và lựa chọn. Kinh này vốn là những
bài ca dao ở nơi thôn quê và nhạc chương nơi triều miếu của nước Tàu về
thời thượng cổ.
Nguyên trước có đến ba ngàn thiên. Sau, đức Khổng Tử san định lại hơn ba
trăm chương và theo ý nghĩa các thiên, sắp đặt thành bốn phần. Đến đời
Tần Thủy Hoàng, kinh Thi cũng như các kinh khác, bị đốt nhưng có nhiều
nhà nho còn nhớ. Đến thế kỷ thứ hai trước Dương lịch, về đời nhà Hán có
bản kinh Thi xuất hiện, đại thể giống nhau, duy chữ viết có khác. Truyền lại
đến nay là bản của Mao Công (tức Mao Trường).
Kinh Thi có bốn phần gồm 305 thiên (bài thơ). Trong đó có 6 thiên chỉ
truyền lại đề mục mà không còn bài. Mỗi thiên lấy vài chữ chính trong
thiên làm đề mục và chia làm nhiều chương. Bốn phần trong kinh Thi là:
Quốc phong, Tiểu nhã, Đại nhã và Tụng.
Quốc phong là những bài ca dao của dân các nước chư hầu đã được nhạc
quan của nhà vua sưu tập lại: Quốc là nước (đây là các nước chư hầu về đời
nhà Chu); phong nghĩa đen là gió, ý nói các bài hát có thể gợi cảm con
người như gió làm rung động các vật.
Quốc phong gồm có Chính phong và Biến phong. Chính phong phân làm 2
quyển Chu Nam và Thiệu Nam, gồm những bài hát từ trong cung điện nhà
vua truyền ra khắp dân quân. Biến phong gồm những bài hát của 13 nước
chư hầu khác.
Tiểu nhã gồm những bài hát dùng ở nơi triều đình, nhưng chỉ dùng trong