như chính trị hoặc kinh tế là những thứ có được dạy tại Việt Nam,
bất kể ai trả tiền cho ông sang Mỹ học đi nữa.
Chính ông Mai Chí Thọ, người chỉ huy lực lượng tình báo của
chính quyền miền Bắc Việt Nam, và Mười Hương, cán bộ chỉ huy
trực tiếp của Phạm Xuân Ẩn, là những người quyết định đưa ông
sang Mỹ để được đào tạo thành một nhà báo. Mười Hương lấy ý
tưởng đó từ Hồ Chí Minh, người cũng từng là một nhà báo. Đó là vỏ
bọc hoàn hảo cho một điệp viên, bảo đảm cho anh ta quyền sục sạo
vào những nơi hẻo lánh và gặp gỡ các nhân vật tai to mặt lớn. Kế
hoạch này được thông qua ở cấp cao nhất của Bộ Chính trị Việt
Nam, nhưng cũng phải mất vài năm mới thực hiện được. Cha của
Phạm Xuân Ẩn đang hấp hối. Những nhà đương cục do Pháp đào
tạo, vốn không mấy mặn mà với ý tưởng cử một người Việt Nam
qua học tại Mỹ, đã chặn visa xuất cảnh của Phạm Xuân Ẩn. Đảng
Cộng sản cũng gặp khó khăn về tài chính. Cuối cùng, ông Mai Chí
Thọ cũng gom được tất cả 80.000 đồng, khoản tiền vào thời điểm đó
tương đương với khoảng hai nghìn đô la. Ngần ấy là đủ cho Phạm
Xuân Ẩn mua vé máy bay qua Mỹ và bốn bộ com lê mới - chỉ cần
ông có thể tìm được đường ra khỏi Việt Nam.
“Ý tưởng trở thành một nhà báo nghe có vẻ cũng được, nhưng tôi
không biết nhiều về nghề này,” Phạm Xuân Ẩn nói. “‘Nghề báo
quan trọng nhưng cũng rất nguy hiểm,’ ông Mười Hương nói với
tôi. ‘Ai cũng nghi kỵ nhà báo, chắc mẩm là họ đang thực hiện các
hoạt động tình báo.’”
“Tôi phải yêu cầu những người cách mạng vay tiền cho mình,”
Ẩn nói. “Đảng trả tiền cho tôi qua Mỹ. Tôi có sáu năm tiền lương
hưu, nhưng ngần ấy cũng chẳng thấm vào đâu. Thậm chí cả va li tôi
còn không có. Cũng may là Mills C. Brandes cho tôi chiếc va li
Samsonite cũ từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai của ông ta, làm
bằng các tông.”
Trở ngại cuối cùng của Phạm Xuân Ẩn nằm ở khâu xin visa. Lần
này ông được sự trợ giúp từ mật vụ của Diệm. Ông bắt đầu bằng