với hai ô cửa sổ được khoét cao trên những bức tường sừng sững,
chúng tôi tìm thấy cả những câu mới được viết gần đây trong những
năm 1980, khi những thuyền nhân tìm cách vượt biển khỏi Việt
Nam bị giam giữ ở đây. Kyle dịch một trong những dòng chữ:
“Đêm buồn nhớ mẹ thương cha.”
Xây trong khoảnh sân của trại số 5 là một công trình bổ sung về
sau này của Côn Đảo, một khu xà lim của Mỹ với những bức tường
bê tông và trần làm bằng tôn nóng chảy người dưới cái nóng nhiệt
đới. Những phòng giam xám xịt như thế này được dựng lên khắp
miền Nam Việt Nam bởi RMK-BRJ, tổ hợp có trụ sở tại Texas gồm
bốn công ty xây dựng lớn nhất nước Mỹ: Raymond International,
MorrisonKnudsen, Brown & Root, và J. A. Jones. Sáp nhập thành
một thế lực khổng lồ làm ăn phát đạt nhờ những hợp đồng không
đấu thầu, RMK-BRJ xây dựng đường băng sân bay, cầu cảng, đường
sá, và nhà tù, tất cả góp phần tạo nên đất nước được gọi là Nam Việt
Nam. Công ty kế tục của RMK-BRJ là Halliburton, có CEO (Tổng
giám đốc điều hành) là Dick Cheney trước khi ông ta trở thành phó
tổng thống Hoa Kỳ. Halliburton làm ăn phát đạt nhờ những hợp
đồng không đấu thầu của riêng mình về xây dựng nhà tù tại căn cứ
không quân Bagram ở Afghanistan, Abu Ghraib ở Iraq, vịnh
Guantánamo ở Cuba, và những điểm “đen” khác của CIA trên khắp
thế giới.
Đi xa hơn khỏi thị trấn, chúng tôi đến bagne số 7, trại Phú Bình,
nơi đặt những chuồng cọp của Mỹ được xây dựng năm 1971, sau
khi vụ phanh phui của Life khiến những xà lim tra tấn ban đầu trên
hòn đảo phải đóng cửa. Chúng tôi vào một lối đi hẹp cắt dọc theo
chính giữa một khu doanh trại xám xịt và bắt đầu mở những cánh
cửa sắt nằm ở mỗi bên. Chúng tôi nhòm vào trong những xà lim với
song sắt trên trần, giống như chuồng cọp của Pháp, nhưng không có
tường chắn trên đầu để canh chừng, chỉ có một khoảng hở hẹp để
thông khí. Những xà lim này không có bục bê tông để ngồi, vì vậy
tù nhân nằm ngủ ngay trên sàn. Với 384 xà lim, trại giam này từng