Lời nói đầu
“Nước Mỹ chỉ giỏi tiến hành những cuộc thập tự chinh,” tướng
David Petraeus viết trong luận án tiến sĩ của mình về đề tài “Quân
đội Mỹ và những bài học từ chiến tranh Việt Nam”. Được đưa ra
bảo vệ tại Đại học Princeton năm 1987, luận án của Petraeus công
kích những gì đã trở thành quan niệm được giới nhà binh chấp nhận
một cách rộng rãi về những bài học từ Việt Nam. Ông coi đây là một
“lối suy nghĩ kiểu được ăn cả ngã về không”, mà chung quy là xuất
phát từ học thuyết cho rằng nước Mỹ chỉ nên tiến hành những cuộc
chiến tranh thông thường với sự ủng hộ áp đảo của một công chúng
mang tinh thần thập tự chinh. Petraeus bác bỏ quan điểm “làm ăn
như lối suy nghĩ bình thường” này. Thay vào đó, ông lập luận rằng
nước Mỹ có nhiều khả năng là thấy mình sa vào những cuộc chiến
tranh phi chính quy khác, đôi khi phải chống trả hai, ba, hay nhiều
trận chiến kiểu Việt Nam. Sau này Petraeus tiếp tục biên soạn cẩm
nang tác chiến cho lục quân về chống nổi dậy được ban hành
ấn
hành
năm 2006. Năm sau, được trao cơ hội tiến hành công tác thực
địa về chuyên ngành học thuật của mình, ông được bổ nhiệm vào vị
trí tư lệnh lực lượng Mỹ tại Iraq.
Chiến tranh không chỉ là những cuộc thập tự chinh; chúng còn là
những cuộc dan díu của con tim. Chiến tranh được phát động vì
tình yêu, điều này thì chúng ta đã biết từ thời nàng Helen của thành
Troy
khiến cho cả nghìn chiến thuyền chở đầy những chàng trai
mê mẩn sẵn sàng chết vì nàng xung trận. Nhà văn hài hước người
Mỹ P. J. O’Rourke đã nhận ra chân lý này trong một bài tiểu luận
ông viết về Việt Nam năm 1992. “Ở Huế, cứ chiều đến, những nữ
sinh trung học trở về nhà sau khi tan học, từng đoàn nữ sinh đạp xe
trên con phố, tất cả đều tha thướt trong những tà áo dài trắng tinh,
một kiểu trang phục gồm áo dài may ôm sát người mặc trùm lên
quần rộng. Không phải vô cớ mà những nhà thờ Công giáo còn lại