Đôi lời cảnh báo về điệp viên Z.21
“Đây, Phạm Xuân Ẩn đây,” người phóng viên cuối cùng của tờ
Time (Thời đại) tại Việt Nam đánh điện về tòa soạn tạp chí ở New
York ngày 30 tháng 4 năm 1975. “Tất cả các phóng viên người Mỹ
đều đã di tản do tình hình khẩn cấp. Văn phòng của Time giờ do
mình tôi, Phạm Xuân Ẩn điều hành.” Phạm Xuân Ẩn gửi đi thêm ba
bản báo cáo khác nữa từ Sài Gòn trong khi quân đội Bắc Việt Nam
đang tiến sát đến thành phố. Rồi đường dây bị đứt hẳn. Trong một
năm sau đó, với Phạm Xuân Ẩn đóng vai trò là phóng viên duy nhất
của tờ Time tại Việt Nam thời hậu chiến, tạp chí này đăng những bài
viết về “Lời vĩnh biệt tàn nhẫn”, “Phe thắng: Những người làm nên
chiến thắng”, và “Một tuần thanh bình dưới chế độ cộng sản”. Phạm
Xuân Ẩn là một trong số 39 phóng viên người nước ngoài làm việc
cho tờ Time khi văn phòng tại Sài Gòn đóng cửa và tên ông biến mất
khỏi măng sét báo này ngày 10 tháng 5 năm 1976.
Được biết đến như là một nhà phân tích chính trị sắc sảo, khởi
đầu làm việc cho hãng Reuters trong những năm 1960 và sau đó là
cho tờ New York Herald Tribune (Diễn đàn thông tin New York) và
Christian Science Monitor (Người theo dõi khoa học Kitô giáo), rồi,
cuối cùng, là một phóng viên của tờ Time trong 11
năm, dường như công việc xuất sắc nhất của Phạm Xuân Ẩn là
trao đổi chuyện trò với những đồng nghiệp ở Givral, một tiệm cà
phê trên đường Catinat cũ. Chiều nào ông cũng chủ trì tin vỉa hè tại
đây như là nguồn tin tốt nhất ở Sài Gòn. Ông được gọi là “trưởng
đoàn báo chí Việt Nam” và “tiếng nói của đài Catinat” - lò tin đồn.
Với khiếu hài hước tự trào sẵn có, ông thích gọi mình bằng những
tên khác, ví dụ như “docteur de sexologie” (tiến sĩ tình dục học),
“professeur coup d’état” (giáo sư đảo chính), “tư lệnh huấn luyện quân
khuyển” (ngụ ý đến con chó béc giê Đức lúc nào cũng kè kè bên