nên. Chỉ cần hai đứa mình chung sức chung lòng, cùng gánh vác khó khăn
thì sợ gì không đi qua được Hỏa Diệm sơn”.
2
Mâu thuẫn giữa vợ chồng Điền Ca được giải quyết, bà Phượng yên
lòng về chuyện này nhưng lại vướng bận nỗi lo khác.
Cứ nghĩ đến hai mươi vạn tệ của các con không có tin tức gì, trái tim
bà như bị dao cứa. Mặc dù ở trước mặt Điền Ca, bà tỏ ra khảng khái nhưng
thực ra, trong lòng bà rất khó chịu. Cái thằng Lý Dương này, kiên trì chờ
đợi đến bao giờ đây? Tiền của nó, thế mà nó còn ngần ngại, không dám đi
đòi lại. Làm gì có ai tốt bụng tìm tiền rồi trả cho mình? Bà Phượng nghe
mọi người nói Tích Tích là người tốt nhưng bà không hiểu lắm về cô. Ở đời
có nhiều người tốt lắm, bình thường không đắc tội với anh, không dính
dáng đến lợi ích cá nhân, ai cũng là người tốt, một khi xảy ra chuyện thì
người tốt ở đâu?
Thực ra từ đáy lòng, bà Phượng rất thông cảm với nhà họ Ngụy, tai
họa bất ngờ ập đến, không ai có thể xoay chuyển được tình thế. Nhưng nhà
Điền Ca vẫn phải sống, có ai không tiếc tiền của mình cơ chứ? Có xu nào là
từ trên trời rơi xuống đâu? Những năm qua, Điền Ca vì gom góp tiền mua
nhà mà cắm mặt vào tăng ca, người ta thì xúng xính quần áo này nọ, còn cô
cả mùa mới mua một cái áo mà cũng phải đắn đo, thử đi thử lại mãi cuối
cùng vẫn không mua. Tháng Năm là mùa anh đào chín, thứ quả Ni Ni rất
thích. Bà Phượng hỏi thử giá ở chợ, một cân những hai mươi ba mươi tệ, bà
chỉ dám mua cho cháu gái mấy quả làm quà. Điền Ca trông thấy xót ruột lại
mắng Ni Ni: “Con thực là đứa phá của!” làm con bé giận dỗi khóc lóc ầm ĩ
cả lên. Để vợ chồng Điền Ca tiết kiệm được chút tiền, mỗi lần sang chơi, bà
Phượng đều tự bỏ tiền túi ra mua thức ăn, chai dầu lọ muối. Tiền lương hưu
hàng tháng của bà, hoặc là để mua sắm linh tinh như vậy hoặc là tích góp
thành món rồi dấm dúi cho con gái. Nhưng, đùng một cái họ mất hai mươi
vạn tệ! Đấy là còn chưa kể việc mất trắng một vạn rưỡi tiền đặt cọc nhà...