Mới đầu là trách móc, lâu dần thành chán ghét. Trong con mắt của Lệ
Sảnh thì bà Quyên người ngắn một mẩu, đồi mồi nổi đầy trên mặt và cánh
tay, mái tóc muối tiêu động tí là rụng rơi tả. Có một dạo, Lệ Sảnh còn
tưởng mình bị bệnh ghét người già, hễ nhìn thấy bà lão nào trên sáu mươi
tuổi là cô lại cảm thấy khó chịu. Khi tiếp xúc với những bà lão có khuôn
mặt phúc hậu, dễ gần, cô cũng có cảm tình nhưng nếu chẳng may nhìn thấy
cánh tay bà nổi đồi mồi thì tự nhiên cô lại liên tưởng đến mẹ chồng của
mình rồi ghét luôn người ta.
Hồi bà Quyên điều trị bệnh tại bệnh viện của Lệ Sảnh, hai người là
quan hệ y tá và bệnh nhân nên cô đối xử rất tốt, rất nhã nhặn, rất thân thiện
với bà, có thể chịu đựng những điều cô không thích, thậm chí cả thói quen
đáng ghét của bà, vì cô nghĩ chỉ phải chịu đựng bà trong một khoảng thời
gian ngắn, lại được báo đáp hậu hĩnh. Hơn nữa thái độ làm việc cần cù của
Lệ Sảnh trong vai trò một cô y tá trưởng tốt nhằm mục đích để được cơ
quan bình chọn là nhân viên tiên tiến, mẫu mực. Cô không chỉ diễn tốt vai
diễn này mà còn phải diễn xuất sắc để cho người ta tâm phục khẩu phục.
Khi ở bệnh viện, cô đóng vai một nhân vật hoàn hảo nên lúc nào cũng phải
đeo mặt nạ. Còn khi trở về cuộc sống gia đình, Lệ Sảnh không còn sức để
diễn kịch nữa. Sống chung một nhà với mẹ chồng thì bản chất thật trong
con người cô dần dần được bộc lộ. Nếu không có Tông Nguyên thì bà
Quyên là ai chứ? Một người dưng qua đường, chẳng liên quan gì đến cô. Vì
chồng, Lệ Sảnh không thể không nhân nhượng bà. Cô vừa nhẫn nhịn vừa
căm hận, cứ tiếp tục nhẫn nhịn như thế thì sớm muộn gì tình yêu và sự dịu
dàng cũng bị lụi tàn mà thôi. Áp lực công việc và tinh thần sa sút khiến cô
đôi lúc không làm chủ được bản thân hoặc cư xử không đúng mực; thêm
vào đó, chuyện hộp quà như một giọt nước làm tràn ly khiến Lệ Sảnh
không thể chịu đựng thêm được nữa.
4