"Đây này. Không phải là Namiya mà là Nayami..."
(Trong tiếng Nhật, từ "nayami" (phát âm hơi giống với tên Namiya
của tiệm tạp hóa) có nghĩa là "điều phiền muộn")
Nó mở trang đó ra. Nội dung bài báo như sau:
"Một tiệm tạp hóa giúp giải đáp đủ mọi thắc mắc đang rất được khen
ngợi. Đó là tiệm tạp hóa Namiya nằm ở thành phố XX. Nếu nhét thư nhờ
giải đáp thắc mắc qua khe nhận thư ở cửa cuốn vào đêm hôm trước, ngày
hôm sau bạn sẽ nhận được thư hồi âm trong hộp nhận sữa ở phía sau tiệm.
Chủ tiệm tạp hóa, ông Namiya Yuji (72 tuổi) vừa cười vừa chia sẻ:
'Cơ duyên có lẽ bắt đầu từ lần nói đùa với bọn trẻ con hàng xóm.
Chúng cố tình đọc chệch tên tiệm Namiya thành Nayami, Nayami. Biển
hiệu của tiệm ghi là 'Nhận đặt hàng. Xin cứ hỏi', thế là bọn trẻ hỏi tôi là ông
ơi, vậy bọn cháu hỏi ông những khúc mắc của bọn cháu được không. Tôi
bảo được chứ, các cháu cứ hỏi ông bất cứ khúc mắc gì và bọn nó hỏi thật.
Xuất phát từ một lời nói đùa nên ban đầu toàn là những lời nhờ tư vấn tào
lao thôi. Kiểu như cháu ghét học lắm nhưng lại muốn sổ liên lạc toàn là
điểm 100 thì phải làm sao. Nhưng khi tôi khăng khăng giữ nguyên chính
kiến, trả lời đầy đủ thì những lời xin tư vấn nghiêm túc tăng lên. Chẳng hạn
như cháu khổ quá vì bố mẹ suốt ngày cãi nhau. Kể từ đó, tôi yêu cầu các
câu hỏi phải được viết thành thư và cho vào khe nhận thư ở cửa cuốn. Thư
hồi âm sẽ để trong hộp nhận sữa ở cửa sau. Làm vậy, tôi có thể hồi âm
được cả thư nhờ tư vấn mà không xưng danh. Rồi bắt đầu có cả các thư xin
tư vấn của người lớn. Tôi biết, có hỏi ông già tầm thường này cũng hoài
công thôi nhưng vẫn cố gắng suy nghĩ và hồi âm lại.'
Được biết những câu hỏi nhờ tư vấn về tình yêu chiếm đa số.
'Khoản đó là tôi kém nhất đấy.' Ông Namiya nói. Có vẻ như đó cũng là
điều phiền muộn của chính bản thân ông."