có thêm nhiều thời gian ở bên nàng, nhưng chỉ vài tuần sau gã đã thay đổi.
Mỗi lần cùng nhau ra khỏi thành phố gã rất vui sướng được đi cùng đến bất
cứ phòng tranh nào nàng chọn.
Trong khi Giám đốc Bảo tàng Puskin đưa Zerimski đi quanh bảo tàng thì
Connor phải chú ý để không bị các tuyệt tác kỳ diệu này hút hồn mà phải tập
trung quan sát vị ứng cử viên Tổng thống.
Vào những năm 1980, khi lần đầu tiên Connor được cử sang Nga thì
người ta chỉ có thể nhìn thấy những chính khách cấp cao gần nhất là khi họ
ngồi trên khán đài trong lễ duyệt binh ngày Quốc tế Lao động. Nhưng giờ
đây khi đông đảo quần chúng có thể được phát biểu ý kiến lựa chọn trên các
phiếu điều tra thì đột nhiên những ai muốn được bầu lại phải đi lại trong
đám quần chúng, thậm chí phải lắng nghe các ý kiến của họ.
Bảo tàng đông chẳng kém gì sân vận động Cooke và mỗi khi Zerimski
xuất hiện thì đám đông lại tách ra cứ như ông ta là thánh Moses đang đi tới
Biển đỏ. Vị ứng cử viên chậm rãi đi trong đám đông dân Moscow đang
chẳng để ý gì đến các bức tranh và các bức tượng vì mải giơ tay đón chào
ông ta.
Trông bên ngoài Zerimski lùn hơn trong các bức ảnh, vây quanh ông ta là
một đám thân cận còn bé nhỏ hơn để có thể bớt nổi bật sự thực. Connor nhớ
lại lời nhận xét của Tổng thống Truman về khổ người. Có lần ông đã nói với
một sinh viên Missouri như sau: “Cậu bé ơi, nếu như phải tính đến từng
phân thì hãy xét đến cái trán. Thêm vài phân ở khoảng cách từ chân tóc đến
sống mũi còn hơn là cố lấy vài phân từ mắt cá đến đầu gối”.
Zerimski mặc một bộ quần áo cắt xấu tệ. Sơ mi nhàu nhĩ từ cổ áo đến
măng sét. Connor tự hỏi không hiểu Giám đốc Bảo tàng Puskin có khôn
ngoan không khi mặc một bộ vest may đo rõ ràng là không được may ở
Moscow.
Mặc dầu Connor biết Zerimski rất sắc bén và là người có học, nhưng
chẳng mấy chốc đã rõ ràng rằng trong những năm qua chẳng mấy khi ông ta
đi thăm các bảo tàng nghệ thuật. Trong khi lăng xăng đi qua các đám đông
thỉnh thoảng ông ta lại chỉ một ngón tay vào một bức vẽ nào đó và nói rất to