[Khi thực hành phóng sinh] chúng ta tu tập từ ái thí, vì chúng ta không chỉ mong
muốn cho các con vật có được hạnh phúc mà còn thực sự đem hạnh phúc đến
cho chúng bằng việc cứu thoát chúng.
[Khi thực hành phóng sinh] chúng ta thực hành vô úy thí, vì chúng ta ngay tức
thì giải thoát chúng khỏi sự sợ hãi bị giết hay bị hãm hại. Vì nghi thức phóng
sinh cũng tịnh hóa nghiệp cho các con vật được phóng sinh, nên ta cũng giúp
giải thoát chúng khỏi các cảnh giới thấp.
[Khi thực hành phóng sinh] chúng ta cũng thực hành Pháp thí khi trì tụng các
mật chú có năng lực mãnh liệt để chú nguyện vào nước và sau đó rưới lên các
con vật; việc này sẽ đem lợi lạc cho chúng vì tịnh hóa được các nghiệp bất thiện
và giúp chúng có sự tái sinh tốt đẹp như ở cõi người, cõi trời hay cõi Tịnh Độ.
Khi chúng ta cho các con vật được phóng sinh ăn, đó là hình thức bố thí thứ tư,
tài thí, tức bố thí vật chất.
[Khi thực hành phóng sinh] chúng ta tu tập trì giới vì tránh không làm hại các
chúng sinh khác.
[Khi thực hành phóng sinh, chúng ta] tu tập nhẫn nhục theo ba ý nghĩa: sự nhẫn
nhục tuyệt đối chỉ nghĩ đến Chánh pháp, sự nhẫn nhục tự nguyện gánh chịu khổ
đau [thay cho chúng sinh] và sự nhẫn nhục không giận dữ với người khác hay
sinh vật khác vào lúc phóng sinh.
Còn việc kiên trì chịu đựng khó nhọc khi phóng sinh, như đi mua các con vật
phóng sinh rồi chuyên chở tới nơi thả chúng, những hành động này thuộc về
hạnh tinh tấn.