Ở Solu Khumbu có một bệnh viện được Sir Edmund Hillary thành lập. Các bác
sĩ làm việc ở đó phần lớn là người New Zealand. Tôi nghe rằng trong một cuộc
phẫu thuật ở đó, người ta tìm thấy trong người bệnh nhân một con vật giống như
con ếch, và khi cắt xẻ con vật ấy ra thì bên trong cơ thể nó không có máu.
Những chuyện lạ lùng như vậy thường liên quan đến sinh linh ma quỉ.
Tôi để lại viên thuốc quý của Đức Trijang Rinpoche ở Solu Khumbu sau khi mẹ
tôi bị ngộ độc. Vì là viên thuốc quý hiếm nên sau khi cho bệnh nhân dùng, người
ta tìm nhặt nó trong phân bệnh nhân, rửa sạch rồi dùng lại. Chỉ cần giữ nó trên
người thôi cũng có thể giúp ích cho người bị ngộ độc. Viên thuốc đó cũng có ích
cho người sắp chết. Khi tôi cần lấy lại viên thuốc đó để pha chế chung với một
loại thuốc khác tôi đang làm, chú tôi bảo rằng ông đã làm mất rồi. Về sau, chị tôi
cho biết là chú tôi không hề làm mất viên thuốc, mà ông muốn giữ lại cho riêng
mình.
Trong việc điều trị bệnh AIDS, cây arura được xem là hiệu quả nhất, và các loại
baru và kyuru cũng hữu ích. Dựa theo các sách y dược Tây Tạng - các sách này
đến từ Đức Phật Dược Sư - thì con người có tất cả 424 loại bệnh. Nguồn gốc của
tất cả bệnh tật đến từ ba tâm độc là vô minh, tham và sân; và các bệnh có thể
phân ra thành ba nhóm cơ bản: bệnh thuộc tính lạnh, bệnh thuộc tính nóng và
bệnh thuộc gió (phong, hay khí, tiếng Tạng là lung). Ba loại cây thuốc vừa nói
trên là thuốc để trị ba loại bệnh này và là nền tảng của y dược Tây Tạng.
Cô Anna, một đệ tử người Pháp mới tiếp cận Phật pháp, là người bị bệnh AIDS
đầu tiên mà tôi gặp. Tôi đã gặp cô trong thời gian ngắn ngủi ở Dharamsala nhiều
năm về trước. Khi có người báo tin cho tôi rằng Anna bị bệnh AIDS, tôi đã thiền
định quán sát và đề nghị cô ta dùng thuốc Tây Tạng. Tôi cũng khuyên cô ta thiền
định về Bổn tôn Garuda Đen.
Anna nhận thuốc Tây Tạng từ Viện Chiêm Tinh và Y Dược Tây Tạng ở
Dharamsala. Vì cô ta không tin vào các loại thuốc mà tôi đề nghị, nên cô ta tham
vấn bác sĩ Tây Tạng về lợi ích các loại thuốc đó. Khi bác sĩ nêu ra những triệu