có, chứ không phải một vấn đề không cần có, không muốn có. Chúng ta phải
nhận diện bệnh tật như một sự phô bày hiển lộ đau khổ của tất cả chúng sinh hữu
tình. Chúng ta đừng xem bệnh tật là chướng nạn, mà nên sử dụng nó để phát
triển từ bi và trí tuệ.
Cũng giống như sử dụng chất độc làm dược phẩm, chúng ta nên sử dụng bệnh tật
như con đường dẫn tới hạnh phúc. Thông qua việc chuyển hóa tâm, chúng ta làm
cho kinh nghiệm đau ốm trở nên có ý nghĩa, không chỉ cho bản thân mà còn cho
những người khác. Bệnh giúp ta phát triển được các phẩm chất quí báu của con
người là lòng từ ái, bi mẫn, và chính điều này giúp ta có thể mang hạnh phúc và
bình an đến cho từng chúng sinh hữu tình.
Dù gì thì ta cũng đã bị bệnh, ta nên biến nó thành việc có lợi lạc bằng cách sử
dụng nó để mang hạnh phúc tạm thời cũng như vĩnh cửu đến cho bản thân và
cho mọi chúng sinh hữu tình. Đây là kế sách hay nhất để vượt qua bệnh tật.
Sau khi nghe tôi giảng về việc chuyển hóa tâm theo cách này, Alan cảm thấy như
được khỏe hơn. Trước lúc nói chuyện, ông ta ngồi sụm người trên ghế, nhưng
khi kết thúc câu chuyện, ông ta đã có thể tự đứng dậy và bước đi mà không cần
người giúp. Ông ta rất ngạc nhiên về sự phục hồi sức khỏe bất ngờ như thế. Ông
ta quơ tay, nói: “Ồ, xem kìa! Bây giờ tôi có thể tự đứng lên được!”
Alan đã có được sự phục hồi tức thì, nhưng dĩ nhiên, có được trạng thái tâm
phấn chấn như thế vào lúc đó là chưa đủ, ông ta phải tiếp tục duy trì tâm luôn
luôn trong trạng thái đó thì mới có thể giúp ông ta sống lâu hơn.
Từ câu chuyện này bạn có thể thấy được vì sao thể trạng có liên quan mật thiết
với tâm trạng. Điều này đặc biệt chính xác với trường hợp bệnh AIDS. Nếu
những người bị bệnh AIDS có được tâm khỏe mạnh, họ có thể sống lâu hơn và
cơ thể cũng sẽ khỏe mạnh hơn, bất chấp là bệnh tật vẫn còn đó.