nướng lần nữa.
Ở tu viện Kopal, khi các sư tăng trẻ mang thức ăn đến cho, bà thường nói với họ:
“Tôi không xứng đáng để được họ phục vụ - vì dạ dày của tôi trống trơn.” Bà
không có ý nói “dạ dày trống trơn” theo nghĩa đen, bà muốn ám chỉ rằng tâm bà
chẳng có chút chứng ngộ nào cả.
Bà luôn quan tâm đến những người khác, nghĩ đến những khó khăn của họ, và
không chỉ riêng cho những người trong gia đình tôi. Nếu có ai đang giúp đỡ bà
hay đang làm việc bên cạnh bà, bà luôn hết lòng quan tâm đến việc họ phải làm
việc cực nhọc vì bà.
Vì mẹ tôi rất từ bi nên mọi người đều thấy hạnh phúc khi được gặp gỡ, trò
chuyện với bà. Khi chúng ta thấy một ai đó có tâm rộng rãi, nhiệt tình thì dù
không quen biết, chúng ta cũng muốn ngồi xuống bên cạnh và trò chuyện cùng
họ. Đây là sự đáp ứng tự nhiên của chúng ta đối với những người có tâm bi mẫn,
những người luôn quan tâm đến người khác hơn chính bản thân mình.
Trong kinh Phật có nhiều câu chuyện kể về các vị Bồ Tát (Bodhisattva) hay các
bậc thánh nhân, những vị luôn hy sinh bản thân vì người khác. Theo thuật ngữ
Sanskrit, Bodhisattva có thể được dịch như là “vị anh hùng giác ngộ”. Các vị Bồ
Tát tuy chưa giác ngộ viên mãn, nhưng không hề tìm kiếm hạnh phúc cho riêng
mình mà chỉ nghĩ đến việc chăm lo những người khác và làm việc bằng cả thân,
khẩu, ý của mình vì lợi lạc cho chúng sinh hữu tình. Các ngài không chỉ mong
ước người khác được hạnh phúc mà còn tự mình nhận lấy trách nhiệm giải thoát
tất cả chúng sinh khỏi khổ đau và mang hạnh phúc đến cho họ. Các ngài thệ
nguyện làm việc này mà không cần biết nó khó khăn như thế nào hay bao lâu sẽ
hoàn thành. Với tâm đại từ đại bi, các ngài nhận lấy trách nhiệm tự mình và duy
nhất chỉ riêng mình sẽ hoàn thành công việc. Đó là tư tưởng hiến dâng trọn vẹn
với một trái tim dũng mãnh cực độ. Bất kỳ chúng sinh nào có được phẩm chất
dũng mãnh này đều là một vị anh hùng đích thực.