dù chỉ của một chúng sinh thôi cũng đã tích lũy công đức vô lượng.
Như tôi đã giải thích trước, chúng ta phải chịu đựng các bệnh tật cùng với các
vấn đề lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi nào chúng ta giải thoát được khỏi
[thân năm] uẩn này, vốn có bản chất là khổ đau. Dù gì chúng ta cũng phải trải
qua các vấn đề, vậy tại sao chúng ta không làm cho chúng trở thành những điều
có lợi? Tại sao chúng ta không noi gương các thánh nhân, các bậc giác ngộ,
buông bỏ bản thân mình để chăm lo cho chúng sinh mà thôi? Hành vi tích cực
này đã kết quả nơi các bậc giác ngộ là họ đã nhanh chóng giải thoát khỏi mọi
vấn đề và nhân của vấn đề, đã thành tựu giác ngộ viên mãn, và tiếp theo là họ
giác ngộ cho vô lượng chúng sinh. Tại sao chúng ta không sử dụng các vấn đề
của chúng ta theo cách như thế?
Số lượng công đức chúng ta tích tụ được từ việc chịu đựng bệnh tật và các vấn
đề vì lợi ích của các chúng sinh khác sẽ tùy thuộc sức mạnh hay mức độ lòng từ
bi mà chúng ta cảm thấy được, phát sinh được. Nó tùy thuộc vào việc chúng ta
chăm sóc người khác như thế nào, tùy thuộc vào việc chúng ta ước muốn hy sinh
mình đến mức nào để trải nghiệm đau khổ của họ. Vì vô lượng chúng sinh có
cùng những vấn đề như chúng ta đang có, nên chúng ta cần phải nhận về mình
tất cả các vấn đề này, và chúng ta cần phải trải nghiệm, chịu đựng các vấn đề đó
vì lợi ích của chúng sinh. Vị thuyền trưởng Bồ Tát, vị sư trẻ Tsembulwa và ngài
Vô Trước đã hy sinh mình để giúp đỡ dù chỉ một chúng sinh. Cũng vậy, chúng ta
có thể đạt được sự thành tựu vĩ đại nhất bằng cách phát sinh tâm bi mẫn xót
thương cùng cực, đồng thời hy sinh mình cho lợi ích dù chỉ là của một chúng
sinh.
7.
NGƯỜI THẦY CHỮA BỆNH