Có nhiều nhân và duyên đối với việc bệnh nhân có thể được khỏi bệnh hay
không và bao lâu thì khỏi bệnh. Chẳng hạn, kết quả tùy thuộc việc bệnh nhân đã
tích tụ đủ thiện nghiệp từ những hành vi tích cực trong quá khứ hay không. Nó
cũng tùy thuộc vào việc các bệnh nhân có mối liên kết thiện nghiệp với người
chữa bệnh (thầy thuốc) hay không, và bốn thành phần (đất, nước, lửa, gió) của
cơ thể bệnh nhân có hài hòa được với bốn thành phần của cơ thể người chữa
bệnh hay không. Tuy nhiên, có ba yếu tố chính trong việc chữa bệnh. Đó là: lòng
tin, tâm bi mẫn và giới hạnh.
Năng lực của lòng tin
Việc điều trị bệnh liên quan rất nhiều đến lòng tin của cả hai: bệnh nhân và
người chữa bệnh. Năng lực tâm của người chữa bệnh là quan trọng, nhưng lòng
tin của cả hai người (bệnh nhân và người chữa bệnh) vào phương pháp chữa
bệnh cũng quan trọng nữa. Dĩ nhiên, sự tin tưởng cần được dựa trên thái độ chân
thành, bi mẫn, ít vị kỷ. Một thái độ vị kỷ cũng như những suy nghĩ không lành
mạnh như sân hận và những mong cầu bất thiện sẽ cản trở khả năng chữa bệnh
cho người khác.
Lòng tin là một nguyên nhân quan trọng của sự thành công, không chỉ riêng
trong việc chữa bệnh mà còn là trong bất kỳ hành vi nào, kể cả việc thành tựu
các chứng ngộ trên đường tu giác ngộ. Đôi khi cách chữa bệnh có vẻ như rất kỳ
cục, nhưng nếu bệnh nhân có được niềm tin mãnh liệt vào đó, họ sẽ được chữa
khỏi.
Để minh chứng, tôi sẽ kể một câu chuyện xảy ra ở Buxa Duar, Tây Bengal, Ấn
Độ, nơi tôi đã đến sống tám năm ngay sau khi rời khỏi Tây Tạng. Trước kia,
Duxa là một nhà tù khi người Anh còn cai trị Ấn Độ, nơi đó Mahatma Gandhi và
Thủ tướng Nehru đã bị giam. Các tăng sĩ Tây Tạng thuộc bốn truyền thống
muốn tiếp tục tu tập trong tu viện sẽ được gửi tới Buxa; tuy nhiên, đa số các tăng
sĩ định cư ở đó là đến từ ba tu viện lớn gần Lhasa: Sera, Ganden và Drepung.