bình nhỏ. Các học trò thường lấy bột tsampa trộn với máu ngài đã ói ra, vê thành
những viên thuốc rồi đưa cho những người bị bệnh. Thường thì sau khi uống các
viên thuốc này người ta đều khỏi bệnh. Nhờ vào Bồ-đề tâm của ngài, mọi thứ
thuộc cơ thể ngài đều có năng lực chữa bệnh. Thậm chí người ta còn dùng thức
ăn dư thừa của ngài, nước tiểu và những thứ khác nữa thuộc về ngài để chữa
bệnh.
Nhiều thánh nhân Ấn Độ (các tu sĩ khổ hạnh Hindu) cũng có năng lực như vậy.
Có một vị thánh không có nhiều học trò lắm nhưng đặc biệt là phân của ngài có
thể chữa lành bệnh cùi bằng cách dùng bôi lên cơ thể. Ở Ấn Độ, người ta thường
đại tiện ngoài đồng trống, và phân của vị Thánh này trở nên hiếm thấy vì người
ta đua nhau đi tìm phân của ngài. Một lần nữa, ta thấy rằng năng lực chữa bệnh
này đến từ tâm thiêng liêng của vị thánh, từ tâm đại bi của ngài.
Trong các bài giảng cũng đề cập đến câu chuyện một gia đình Tây Tạng có
người con gái bị ma nhập trong một thời gian dài. Dù đã mời nhiều lama đến làm
lễ cúng dường puja nhưng cô gái vẫn không khỏi bệnh. Vào một ngày, có một vị
tăng bình thường đến khất thực, gia đình mời vị tăng vào nhà và cầu xin chữa
bệnh cho cô gái. Khi vị tăng thực hiện nghi lễ xua đuổi các chướng ngại ngăn
cản lời cầu nguyện và dâng bánh cúng, ông ta phát hiện rằng con ma cũng đang
tụng đọc các lời cầu nguyện y hệt như vậy.
Vị tăng biết rằng lễ puja không hiệu quả, nên ông ta lấy khăn choàng trùm lên
đầu, rồi thiền định về tâm bi mẫn thương xót con ma. Chỉ đến lúc đó, con ma
mới chịu buông tha cô gái. Rồi con ma xin lỗi vị tăng và nói: “Hãy chỉ dạy cho
tôi.” Một khi tâm thiện càng mạnh mẽ thì năng lực chữa bệnh càng có hiệu lực
hơn.
Nếu chúng ta khẩn cầu các vị Bồ Tát giúp đỡ thì các ngài sẽ giúp chúng ta, vì
tâm bi mẫn của các ngài. Tuy nhiên, về phía mình, chúng ta cần có trí tuệ và
niềm tin để nương tựa và khẩn cầu sự giúp đỡ. Nếu chúng ta có trí tuệ và niềm
tin, các vị Bồ Tát mới có thể dẫn dắt chúng ta.