được ở bất kỳ nơi nào khác. Điều đó đối lập hoàn toàn với việc đóng cửa
nhà máy trong bài hát của Bruce Springsteen (Bài hát nói về một nhà máy
mà những người lao động có trình độ hạn chế nhận ra rằng các kỹ năng hạn
hẹp của họ không có giá trị khi xưởng/hầm mỏ/nhà máy bị đóng cửa). Sự
khác biệt chính là ở vốn con người.
Đến đây, chúng ta đã có đủ bằng chứng để từ bỏ một trong những quan
niệm nguy hại nhất trong chính sách công: Đó là toàn bộ lý luận sai lầm về
lao động. Sẽ là sai lầm khi tin rằng có một số lượng việc làm cố định được
tạo ra trong nền kinh tế và do đó sẽ có một công việc mới được tạo ra để
thay thế cho một công việc khác bị mất đi. Nếu tôi bị thất nghiệp và lập
luận sai lầm này đúng, tôi sẽ tìm được việc làm khi ai đó khác làm việc ít đi
hoặc không làm gì cả. Nhưng thực tế là, các công việc được tạo ra khi có
một cá nhân cung cấp một hàng hóa hay dịch vụ mới, hoặc tìm cách tốt hơn
(hoặc rẻ hơn) để cung cấp hàng hóa hay dịch vụ cũ.
Những con số dưới đây chứng minh cho quan điểm này. Nền kinh tế Mỹ
đã tạo ra hàng chục triệu việc làm mới trong những năm 1990, những việc
làm mới này chủ yếu thuộc lĩnh vực Internet. Tuy nhiên, nếu so sánh với
các con số trước đó, tỷ lệ lao động có việc làm vẫn chưa cao. Tương tự,
trong thời gian này, lịch sử nước Mỹ cũng tiếp nhận làn sóng khổng lồ
những người nhập cư đến sinh sống và làm việc nhưng tỷ lệ lao động có
việc làm trong dài hạn vẫn không tăng. Có sự thay thế nào trong ngắn hạn
không? Có. Một vài công nhân mất việc làm hoặc bị giảm lương khi phải
cạnh tranh với những người mới tham gia vào lực lượng lao động. Nhưng
số việc mới được tạo ra nhiều hơn số việc làm bị mất đi. Hãy nhớ rằng, các
lao động mới phải tiêu dùng thu nhập của mình, dẫn đến sự xuất hiện của
nhu cầu mới đối với những sản phẩm khác. Do vậy, chiếc bánh kinh tế ngày
càng to hơn, chứ không bị chia nhỏ.
Chúng ta hãy tưởng tượng một cộng đồng dân cư sống bằng nghề nông,
mà ở đó nhiều gia đình sở hữu và trồng trọt trên mảnh đất riêng của mình.