Người Anh của Công ty Đông Ấn Độ đến Hội An năm 1613. Sự giao
thiệp thất bại. Sau đó ra Bắc người Anh vẫn chưa thành công và trở lại xứ
Đàng Trong năm 1695. Người mại biện là Bowyear điều tra về các điều kiện
thương mại và đưa một số yêu cầu trong đó xin đất lập phố buôn và một đảo
để sửa chữa tàu thuyền. Nếu hai bên thỏa thuận các điều khoản hợp tác, có
thể bộ mặt Đại Việt có nhiều thay đổi vì về mặt biển, bấy giờ người Anh đã
thay Hà Lan làm chúa tể năm châu. Nhưng cuộc hợp thương thất bại, nên từ
đó về sau, người Anh không bao giờ trở lại đất này.
Người Pháp:
Pháp cũng lập Công ty Đông Ấn Độ 1664, sau các nước trên để đặt mại
biện tại Hội An. Năm 1742, Dumont - một thương gia Pháp mới đến Hội An
bàn việc thương mại, nhưng thực chất ông đã có ngay ý tưởng chiếm Cù Lao
Chàm, mở thương điếm, quản lý hoạt động cảng Hội An sau này khi người
Pháp có cơ hội làm chủ Việt Nam. Tiếp theo đó, năm 1749, một giáo sĩ Pháp
tên là Pierre le Poivre vừa là một công chức, đồng thời là nhà buôn do Công
ty Ấn Độ phái sang xứ Đàng Trong để giao thiệp, gây tình thân thiện và mở
thêm một đường thông thương mới.
Ngày 29 tháng 8 năm 1749, ông đáp tàu Machault đến Hội An (Faifo).
Poivre ở Hội An ít lâu rồi đi đường bộ đến Thuận Hóa vào yết kiến Võ
vương để dâng lễ vật và thư xin thông thương. Võ vương tiếp P.Poivre rất tử
tế và cho phép được đi lại buôn bán. Nhưng về sau vì công ty Ấn Độ của
Pháp bãi đi và nhiều việc khó khăn khác nên việc thông thương cũng không
thể tiếp tục được.