Chùa Cầu, đến nay còn gắn trên cầu. Những dòng chữ Hán trên bi ký có
đoạn: “Tại phường Minh Hương đô thị Hội An, phân giới với Cẩm Phô có
con sông nhỏ, có cầu cổ. Tương truyền do người Nhật Bản làm. Trải từ triều
đại trước ban sắc cho tên Lai Viễn Kiều...”
Hai trụ đầu cầu trước năm 1975 có hai câu đối chữ Hán đắp nổi bằng mẻ
sành, nhưng sau bị dùng xi măng trám bằng, xóa mất dấu. Khi còn bình sinh
nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên (1911-1996) đã tìm lại được những câu
đối chữ Hán này chứa đựng nội dung kinh dịch:
Đôi câu đối chữ Hán ở phía cửa đông của cầu như sau:
Thiên cẩu song tinh an cấn thổ,
Tử vi lưỡng tỉnh định khôn thân.
Đôi câu đối chữ Hán ở cửa phía tây của cầu có nội dung:
Ngoạn nguyệt khách du châu vĩ điện,
Khán hoa nhân đáo mã đề lôi
Tạm dịch:
Hai sao thiên cẩu ở yên nơi đất cấn
Hai tướng tử vi định được chốn quẻ khôn
Và
Khách ngắm trăng thuyền nhanh như chớp
Người xem hoa vó ngựa sấm vang
Năm 1719, Chúa Nguyễn Phúc Chu trong một lần đến Hội An đã ban tên
cho cầu là Lai Viễn Kiều (cầu của những người bạn từ xa đến), hiện bức
hoành phi nhà vua ban tặng vẫn đặt giữa cầu. Như vậy, từ chức năng phục
vụ giao thông, Chùa Cầu đã trở thành vật kiến trúc mang màu sắc tâm linh
và thể hiện một quá khứ lịch sử liên quan đến phát triển mậu dịch của
thương gia Nhật, Hoa tại Hội An.