lúc làm bài. Cũng có người nhờ việc thành tâm chăm lễ bái mà khi sinh con
dù trai hay gái đều thông minh sáng láng học hành đỗ đạt trưởng thành.
Do biến thiên lịch sử, Văn Thánh bị tàn phá, và sau đó được trùng tu lớn,
đẹp hơn như hiện nay.
Lăng Ông Cẩm Nam
Qua cầu Cẩm Nam đi khoảng 1km là đến. Đây là cụm di tích kiến trúc tín
ngưỡng của phố vạn chài Vạn Xuân và dân cư xứ Hà Trung, có 5 kiến trúc
cạnh nhau gồm lăng Ông - thờ cá voi; miếu Thổ thần - thờ vị thần cai quản
đất đai nơi cư trú; miếu Ngũ hành - thờ các vị thần liên quan đến sự tạo
thành, chuyển hóa vạn vật; miếu Âm linh - thờ vong hồn uổng tử, chiến sĩ
trận vong; miếu các vạn ghe bầu - thờ bà Đại Càn, vị thần quản lãnh Thủy
cung.
Căn cứ văn bia thì cụm di tích được xây dựng rải rác vào thế kỷ XVIII,
nhưng vì gần sông bị lở nên dời về đây khoảng hơn trăm năm. Đây là cụm di
tích có đủ tín ngưỡng của một cộng đồng cư dân làng xã, chức năng cầu xin
được bình an, no đủ, gặp may mắn khi hành nghề sông nước. Hàng năm các
lễ hội ở đây được tổ chức vào các dịp 10 tháng 2 và 15 tháng 7 âm lịch rất
linh đình và sôi động nhiều ngày với các sinh hoạt hát bộ, hát hò khoan, chơi
bài chòi, hát múa bả trạo...
Miếu Âm Hồn (76/9A đường Trần Phú)
Vì Hội An ở hạ lưu sông Thu Bồn, nơi gặp gỡ các nguồn nước Vu Gia,
Chiên Đàn, Thu Bồn nên vào mùa lụt thường có nhiều xác chết trôi từ
thượng nguồn đổ về. Người sống ven sông vớt lên chôn cất. Ngoài ra, Hội
An cũng là nơi gánh chịu hậu quả chiến tranh, binh lính các bên chết nhiều
nên dân gian lập ngôi miếu âm hồn để thờ phụng các oan hồn uổng tử.
Nam Diêu Tổ Miếu (Khối 7, Thanh Hà)
Đây là cụm miếu thờ nhiều thần linh khác nhau nhưng quan trọng nhất là
thờ ông tổ nghề gốm, ngói. Hàng năm vào dịp đầu xuân, trước khi vào vụ
dân làng tổ chức cúng tế linh đình mong tổ nghề và các vị thần linh giúp đỡ
để gặp nhiều may mắn trong năm.