Thảo nguyên bao la của Venezuela ngót sáu mươi năm trước đây,
“Những dòng sông rộng không tưới cho đất trồng trọt, cũng không đưa đẩy
thuyền bè ngược xuôi”, với những cuộc săn dồn bò hoang, săn cá sấu, bắt ba
ba, tìm mật ong, đốt phá đồng cỏ trên phạm vi rộng cũng như những buổi
liên hoan nhảy múa vào mùa chia đàn súc vật được miêu tả thật đặc sắc dưới
ngòi bút của ông. Con người thảo nguyên cường tráng, chất phác, dũng cảm
mà thiên nhiên hoang vu tạo nên và rèn luyện được dựng lên rất sắc sảo
trong tác phẩm của ông.
Tố cáo chế độ thống trị bất công, lên án bọn cầm quyền tàn bạo, vạch
trần bọn ăn cướp Bắc Mỹ vừa trơ trẽn vừa nham hiểm trên đất Venezuela,
tác giả tỏ ra là một nhà văn hiện thực sâu sắc, gây ấn tượng mạnh đối với
người đọc.
Nhưng đấu tranh bằng con đường nào để đất nước ông “sẽ có ngày trù
phú và vui tươi” thì Rómulo Gallegos không vạch ra được. Con mụ địa chủ
ác bá Doña Bárbara, tham lam cực kỳ, lại tự nguyện từ bỏ trang trại mà nó
tạo nên bằng mọi thủ đoạn và đam mê hơn cả tình yêu say đắm, rồi lưu lạc
nơi đâu chẳng ai biết nữa. Thằng cướp đất, cướp súc vật Bắc Mỹ cũng tự
nguyện rời bỏ cơ ngơi nó chiếm được và đi kiếm ăn nơi khác khi thấy láng
giềng của nó giăng dây thép cương quyết bảo vệ đất đai và súc vật của mình.
Đó là do ông bị hạn chế trong quan điểm đấu tranh giai cấp gay gắt trong
thời đại ngày nay để giải phóng xã hội, cải tạo con người, là ảnh hưởng của
chủ nghĩa xã hội không tưởng – những hạn chế rất dễ hiểu vào những năm
1925-1930.
Dù sao, với những ưu điểm nổi bật của nó, nhà nghiên cứu văn học
Đức Ulrich Leo đã đánh giá Doña Bárbara “là một trong những cuốn tiểu
thuyết hay nhất, vừa khỏe khoắn vừa mềm mại, vừa rộng lớn vừa thâm thúy,
vừa hùng tráng vừa trữ tình… có thể so sánh với bất kỳ tác phẩm văn học
hiện đại nào.”
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP PHÚ KHÁNH