Cuối cùng, con vật cũng rơi vào bẫy. Khi rờ tay vào mình nó, Carmelito
an ủi:
— Mày sẽ không phải mang nặng đâu, Nắng Vàng ạ. Hãy bình tĩnh.
Khi Marisela trông thấy con ngựa đẹp, do Carmelito buộc chân trước
dắt về, liền thốt lên:
— Con ngựa đẹp quá! Ai có con ngựa đẹp thế?!
— Carmelito, để tôi mua cho – Santos đề nghị.
Nhưng người phu kho tính lạnh lùng trả lời cộc lốc:
— Nó không phải để bán, thưa ông luật sư.
Ở thảo nguyên – nơi mà, theo phương ngôn, của cải biết chuyển động
thì không phải là của cải – người chủ của con thú hoang là người bắt được
nó, và theo lệ thường, chủ trại muốn có nó thì phải mua bằng một giá mà
thực tế chỉ trả công cho việc săn bắt và dạy dỗ nó. Nhưng nếu người bắt
được không bán thì nó vẫn là vật sở hữu của người đó.
Việc dạy thú rất là vất vả, gian nan, vì con Nắng Vàng này có cái tật
“hất ngược”, phải là người cưỡi ngựa giỏi lắm mới ngồi vững trên lưng nó
được. Nhưng con ngựa dù bất kham đến đâu mà được Carmelito rèn dạy thì
cũng sẽ mềm mại như lụa, hiền lành và nhẹ cương.
— Con Nắng Vàng ra sao rồi, Carmelito? – Santos thường hỏi anh ta
như vậy.
— À, thưa ông luật sư, bước đi của nó đã thuần hơn. Thế còn ông, công
việc của ông ra sao rồi?
Anh ta muốn nói đến việc dạy dỗ Marisela do Santos cáng đáng.
Marisela cũng có cái tật “hất ngược”. Không phải vì việc học tập đối
với nó vất vả, mà chỉ vì bỗng nhiên nó phát cáu với thầy giáo.
— Để cho tôi trở về với núi rừng của tôi thôi.
— Vậy thì cô đi đi. Nhưng tôi sẽ đến tận đấy, mà bảo cô rằng không
được nói “tôi đã thở”
mà là “tôi đã thấy”
, cũng như không nói “cắm mắt