ngoãn, để làm kiểu mẫu cho nó noi theo, qua những câu chuyện vui anh kể
sau bữa ăn.
Marisela mỉm cười với sức tưởng tượng sẵn có, nó hiểu rằng anh kể
những câu chuyện dài dài về những cô bạn gái ở Caracas để nó bắt chước
một vài điều gì đó. Thỉnh thoảng, nó cũng phải cáu, nếu anh cứ sa đà mãi
vào việc miêu tả các kiểu mẫu, tình trạng ấy thường xảy ra khi bắt đầu các
bài học, và sau những lúc anh lưu luyến cuộc sống thành thị nhưng chính lúc
đó lại là lúc Marisela học được nhiều hơn, vì khi ông thầy lơ đãng thì bản
năng cảnh giác của cô học trò lại trỗi dậy.
Nó đã trở nên sạch sẽ, đỏm dáng, tuy vẫn còn chất rừng rú như bông
hoa pa-ra-goa-tan
tỏa hương thơm ngát cả rừng cây và tẩm hương thơm vào
mật ong rừng. Nét mặt dáng người của nó không còn là đứa con gái bẩn thỉu
hôm nào đội bó củi trên cái đầu bù tóc rối nữa.
Santos chọn mua quần áo giày dép cho nó trong những thứ hàng tốt
nhất mà người Thổ Nhĩ Kỳ, hàng năm vào thời kỳ này, mang đến bán ở các
trại trong vùng đồng cỏ Arauca. Vào thời gian đầu, việc may mặc cho nó là
do các cháu gái của ông già Melesio giúp. Những lần sau, chính Santos vẽ
kiểu quần áo cho nó, và việc này cũng là nguyên nhân của nhiều chuyện vui
vui, bởi vì những hình vẽ ấy thường không thể cắt may theo được, và đôi khi
bộc lộ một khía cạnh thẩm mỹ đáng thương.
— Hừ! Tôi không mặc thứ đồ lố lăng này – Marisela phản đối.
— Cô nói đúng đấy – Santos nhượng bộ – Kiểu ấy hơi nặng nề đây. Nó
có đủ thứ, dây nhợ, dải tua, nếp gấp. Thôi, bỏ đi.
— Cả cái này nữa. Cái đồ chơi ở kổ này, tôi không đeo đâu.
— Vâng, cũng bỏ đi, nhưng cô phải nói cho đúng: Ở cổ. Trong việc
này, cũng như trong nhiều việc khác, bản năng của cô đã hướng dẫn cô một
cách nhanh chóng và đúng đắn – Santos kết luận, hài lòng về tư chất thông
minh của cô bé hồn nhiên ấy, vừa cứng cỏi vừa nhạy bén. Và anh nhìn thấy,
ở Marisela, hiện thân của tâm hồn dân tộc, như phong cảnh lộ ra trước mọi
hành động làm cho nó càng ngày càng tốt hơn. Công việc giúp đỡ Lorenzo