Việt, viết thế nào, đọc ra chính là nghĩa đó luôn, không cần phải dịch ra
tiếng Hán để viết như chữ Hán. Do đó chữ Nôm đa dạng hơn, nhiều từ hơn
và cũng khó khăn để học hơn.
Có vẻ đã hiểu ra được một chút, tôi cầm lấy quyển sách chữ Hán kia,
quyết định phải học nhanh một chút mới được.
Vì vậy tôi lập kế hoạch học cho riêng mình. Mỗi ngày tôi sẽ học mười
chữ. Tôi sẽ cầm mười chữ đi hỏi nghĩa và cách dùng, sau đó về phòng dùng
tiếng Việt hiện đại ghi chú lại, ngồi lì luyện viết chữ cho quen.
Giấy thì trong nhà không thiếu. Mực thì không cần phải mài, quận công
cho tôi lọ mực người Pháp tặng, chỉ đổ một ít ra đĩa nhỏ là có thể dùng
được. Nhưng viết bằng bút lông khổ sở vô cùng. Ngày đầu tiên, tôi dây mực
ra khắp mặt mũi, áo quần. Cả phủ nhìn thấy cười nghiêng ngả, đến mẹ cả
ngày thường lạnh nhạt cũng bật cười.
Đinh Ngọc trêu chọc tôi, nói tôi cố ý để được may nhiều áo quần mới
phải không? Sau ngày hôm đó, tôi nói Gạo cắt một mảnh vải hơi lớn, lại
may vào hai dây vải, y như tạp dề ở thời hiện đại. Tôi mang tạp dề, tha hồ
đứng múa bút luyện chữ.
Sau một tuần, tôi lại lôi bức thư của Trịnh Khải ra đọc. Nhưng tôi chỉ
nhận ra được vài ba chữ, tôi tức giận, quyết định tăng thêm một ngày học
mười lăm chữ. Quyết tâm của tôi bùng nổ, sáng học từ mới, chiều vừa
luyện viết vừa tập ghép chữ thành từ ghép, tối gí chữ vào đèn dầu ôn bài.
Một ngày, Đinh Ngọc nhìn thấy tôi có quầng thâm ở mắt thì sợ hãi, tìm
cách kéo tôi ra khỏi phòng. Hôm đó, tôi nghĩ mình cũng nên nghỉ ngơi một
ngày, liền đồng ý với Đinh Ngọc ra phố mua ít đồ son phấn. Chủ yếu là đi
lại để không bị mấy chữ Nôm kia làm mụ mị đầu óc.
Lúc đi ngang qua quán ăn ngày trước tôi từng ăn với Trịnh Khải. Tôi
nhìn tấm bảng đề ba chữ “Thanh Phong Quán” kia, trong lòng vui sướng.