thứ ở đâu, cần phải bắt cho bằng hết.
Thương thay cơ nghiệp rất chính đáng của Vương Đại Lang, gặp sự chống
trả của phủ quan, chỉ trong mấy ngày mà tan nát hết, cả nhà bị hủy diệt, há
chẳng phải là oan nghiệt của kiếp trước sao. Nghe thấy ai ai cũng vô cùng
phẫn nộ. Bỗng chốc khắp nơi xa gần đều biết, các thân hào thân sĩ đều bất
bình, trình đơn lên phủ huyện kêu oan cho họ. Có vị quan về hưu viết đơn
gửi cho Ngô Ái Đào nói: "Phạm nhân không còn con, cả nhà chết tới bảy
người, đã đền hết tội, theo lý thì vợ phải được tha". Ngô Ái Đào xét thấy
người đời đồn đại về mình không tốt, đành phải tha cho Dương thị và
những người tra tấn họ. Dương thị tìm được con trai thứ, họ hàng thân thích
bàn với Dương thị rằng, tới nay quan trên đều biết được nỗi oan uổng của
mình, thì tại sao không tố cáo để báo thù. Thế rồi Dương thị lập tức viết
đơn đưa tới các nha môn kêu oan.
Đúng lúc ấy thì Thiết Ngự Sử mới nhậm chức đi tuần du xem xét các vụ án,
thấy Ngô Ái Đào là một viên quan tham ô, tàn ác chưa từng thấy. Hắn đã
giết bảy mạng người nhà Vương Đại Lang hết sức oan uổng, bèn dâng sớ
lên triều đình. Bài sớ viết như sau:
"Thần nghe nói, người giữ cương vị quản lý tiền bạc của nhà nước, trên
không làm hại nước, dưới không làm hại dân, như thế mới xứng đáng với
chức vụ. Song Ngô Ái Đào trông coi vùng thượng du, trấn giữ một vùng
đất trọng yếu, không nghĩ tới thương xót dân chúng, bồi dưỡng nguồn
mạch đất nước. Tự ý làm loạn kỷ cương, đánh thuế cả người đi đường.
Chuyên hành bạo ngược, chỉ cốt tham lam. Bởi thế, thương nhân oán hận,
dân chúng ta thán. Những bài ca dao về sự bòn xương rút tủy từ lâu đã
truyền khắp vùng Giang Hán. Cái tên Lột Da người dân đặt cho hắn nghe
thấy khắp nơi. Xưa kia Lưu Yến Tang chiếm dê, được lợi chả đáng là bao,
cũng chưa đến nỗi hại dân hại nước, thế mà đời sau còn cho Lưu Yến Tang
là kẻ vơ vét. Nay Ái Đào là kẻ thù của thương nhân, bị cả nước oán ghét,
tội hắn như thế nào đây! Thật là quái lạ, hắn vu cho dân ăn trộm, bịa đặt
chứng cứ. Chưa đầy ba ngày mà giết tới bảy người, xác vứt xuống sông,
vứt quan tài tổ tiên ra đồng hoang, chiếm nhà cửa cho tay chân ở, vét sạch
của cải vào túi mình. Oan hồn đêm ngày kêu khóc, người đi đường thương