Mình không từ bi được,
Cúng phật cũng bằng không.
Đến hai tháng ròng, ngày nào Cường thị cũng nhiếc móc Nghi Nam. Một
hôm Cường thị vào gian thờ Phật, hướng về pho tượng đồng giận dữ nói:
- Phật cũng chẳng thiêng. Ta suốt ngày cầu mong ngươi, nhưng ngươi lại
phù hộ cho con đĩ ấy có thai, thật là ta uổng công hương khói bấy lâu nay.
Cường thị cứ vừa lễ vừa oán trách phật.
Mà cũng lạ thật, hôm trước Cường thị nói thế, thì hôm sau pho tượng đồng
trên bệ thờ biến mất. Cường thị giật mình, ngờ rằng pho tượng bị đánh cắp.
Trong nhà chỉ có bốn người: vợ chồng Hy Tường, Hưng Nhi và Nghi Nam,
song Cường thị cứ đổ hết cho Nghi Nam lấy cắp. Nghi Nam không chịu
nhận. Cường thị định đánh Nghi Nam tra khảo, thì có người tới báo, pho
tượng ấy hiện đang ở đâu. Người báo tin lại là người nhà của phú hộ Tất
Viên Ngoại ở trong thành này. Thế thì kẻ nào đã lấy cắp pho tượng? Đó
chính là Hỷ Tường, anh ta đã nghe thấy bà chủ oán trách tượng, nhân đêm
tối đã lẻn vào lấy cắp pho tượng, sáng sớm hôm sau đem bán cho nhà Tất
Viên Ngoại lấy mười lạng bạc. Tất Viên Ngoại là Tất Tư Phục, một người
hết sức tham lam, ni cô Ngũ Không là em họ ông ta, và ông ta thường nghe
thấy Ngũ Không nói: "Nhà họ Kỷ có một pho tượng đồng đúc lẫn vàng vô
cùng tinh xảo". Nay Hỷ Tường ăn trộm mang đến bán, ông ta mua với giá
rất hời. Cát Phúc biết Hỷ Tường lấy trộm bán, đòi chia hai lạng. Hỷ Tường
không cho. Cát Phúc tức giận đến báo cho nhà họ Kỷ. Nhưng khi Kỷ Diễn
Tộ hỏi kẻ nào lấy trộm thì Cát Phúc không chịu nói. Diễn Tộ mười phần thì
chín phần ngờ cho Hỷ Tường, song chỉ vì Hỷ Tường là người theo về hầu
hạ vợ mình khi cưới, vợ coi là người tâm phúc, nên luôn bao che cho anh
ta, Diễn Tộ không dám truy hỏi, chỉ thưởng cho Cát Phúc năm đồng. Sau
đó sai Hỷ tường mang mười lạng bạc đến chuộc. Cát Phúc lại bàn kín với
Hỷ Tường rằng:
- Tôi không khai rõ người lấy với chủ anh, thì anh cũng đừng lộ việc này
với chủ tôi.