Tư Phục đau ốm tới bốn năm tháng, không ngờ mùa xuân năm sau Nghi
Nam đẻ con trai. Thụ thai từ tháng hai năm trước đến giữa tháng ba năm
nay sinh ra, tính ra là mười hai tháng mới đẻ. Đan thị không biết nội tình
thế nào, chỉ biết rằng cô ấy về vào tháng năm năm ngoái, đến nay tròn
mười hai tháng mới đẻ, nên rất vui mừng, nói với chồng rằng:
- Không còn nghi ngờ gì nữa, nó đúng là con nhà mình.
Tư Phục vẫn nằm liệt trên giường, lắc đầu nói:
- Nó không phải là con ta. Từ đêm cô ấy về tới nay ta mắc bệnh, chưa từng
gần cô ấy lần nào. Đứa con này chẳng có liên can gì đến ta.
- Ông đang ốm rề rề ra đấy, - Đan thị khe khẽ nói, - trước mắt khó mà nuôi
được con nuôi. Ông xem hoàng đế nhà Chu ngày nay là người họ Sài, còn
nhận cơ nghiệp của họ Quách, huống hồ mình là người thứ dân, đã trót thì
cho trét, chẳng ngại gì.
- Hãy bàn lại xem. - Tư Phục trầm ngâm nói.
Hơn một tháng sau trong nhà không còn tiền tiêu, đành phải nấu chảy pho
tượng đồng, mong tách vàng ra để chi dùng. Nào ngờ khi nấu lên chỉ có
đồng chẳng thấy vàng đâu. Tư Phục kinh ngạc, gọi Nghi Nam tới hỏi. Nghi
Nam nói:
- Chính mắt tôi thấy chủ cũ bỏ vào đó mấy lạng vàng, tại sao lại không
còn?
Tư Phục chỉ nghĩ rằng dạo ấy đã đổi nhầm, lại gọi Cát Phúc đến truy hỏi.
Cát Phúc nói:
- Hoàn toàn không đổi sai.
Đan thị cứ nghĩ lung tung, nói với chồng rằng:
- Đúng là thần Phật linh thiêng, không cho phép chúng ta đổi pho tượng
thật nên thần Phật đã về nhà họ Kỷ.
Thấy thế Tư Phục kinh ngạc nghi ngờ, và càng hoang mang. Bỗng nhiên
nghe thấy tin Hô Diên Ngưỡng bị người ta cáo giác từng liên hệ với nước
Liêu, bị bắt giải về kinh đô, khép vào trọng tội, gia sản bị tịch thu. Vì Tư
Phục từng làm con nuôi ông ta, sợ bị vạ lây, nên bệnh ngày càng trầm
trọng. Tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc, bởi thế Tư Phục cho người mời
cậu của mẹ là Trần Nhân Phủ, và em họ Tất Tư Hằng dặn dò việc ma chay.