Trước đó, những đồ vàng, ngọc, quần áo gấm thêu của nhà họ Tạ, Lan cướp
hết đem về nhà. Tiểu Nga mỗi lần cầm tới vật cũ đều khóc thầm một lúc
lâu. Lan và Xuân là anh em họ. Bấy giờ gia đình Thân Xuân ở bến Độc
Thụ phía bắc Đại Giang, thường qua lại thân thiết với Thân Lan. Lan và
Xuân thường đi với nhau hàng tháng, lấy được rất nhiều của cải mang về.
Mỗi lần như thế, Lan để Tiểu Nga ở cùng vợ Lan là Lan thị trông coi, rượu
thịt áo quần cho Nga rất nhiều.
Một hôm, Xuân đem cá chép hoa và rượu đến nhà Lan làm bữa nhắm. Tiểu
Nga thầm than thở:
- Ông Lý hiểu sâu biết rộng, lời ông đều khớp với lời mộng báo. Chắc là
trời gợi mở cho ông, chí của ta cũng sắp thực hiện được rồi!
Đêm ấy, Lan và Xuân gọi tất cả bọn cướp đến uống rượu. Khi bọn chúng
đã về, Xuân say quá nằm ở trong nhà, Lan nằm ngủ ngoài sân. Tiểu Nga
lẻn đến khóa trái Xuân ở trong nhà, rút dao giắt lưng chặt đầu Lan, rồi hô
hoán cho hàng xóm kéo đến. Xuân bị nhốt trong nhà, Lan chết ở ngoài sân,
thu được tang vật của cải tính đến hàng nghìn vạn. Trước đó đảng của xuân
và Lan có mấy chục đứa, Tiểu Nga đều ghi nhớ tên chúng, cho nên chúng
đều bị bắt và bị giết hết.
Khi ấy quan thái thú Tầm Dương là Trương Công rất ngợi khen đức hạnh
và ý chí của Tiểu Nga, đã trình đầy đủ gửi lên trên xin ban khen, vì thế Tiểu
Nga được miễn tội chết. Bấy giờ là mùa hè năm thứ mươi hai niên hiệu
Nguyên Hòa (918).
Sau khi phục thù cho cha và chồng xong, Tiểu Nga về quê gặp lại họ hàng.
Các nhà hào phú trong làng tranh nhau hỏi cô làm vợ nhưng Nga thề với
lòng mình không lấy ai nữa. Rồi cô cắt tóc mặt nâu sòng tìm đường đến núi
Ngưu Đầu làm đệ tử của sư thầy họ Tương ở chùa Đại Sĩ.