chẳng cần tiền?
- Không mắc thì tốt, - người cha nói, - mà đã mắc rồi thì đừng tái phạm.
- Nếu tôi có sai phạm thì trời báo ứng, mất đầu là cùng chứ gì. - Ngạn Trân
thuận miệng nói.
Cha chửi ầm lên:
- Chẳng qua là tao khuyên mày, chứ ai thách đố với mày!
Năm ấy, người cha cưới vợ cho hắn. Diễm Cô về nhà chồng, suốt ngày
ngắm vuốt, chẳng chịu làm gì. Mẹ chồng khuyên nhủ bảo ban, chờ mãi
không được phải tự làm thay. Mọi việc đều phải chỉ bảo từng li từng tí.
Diễm Cô rất ghét, đêm đêm thủ thỉ với chồng, rằng mẹ đày đọa mình. Ngạn
Trân quá mê đắm, cũng chẳng dạy bảo vợ. Thấy mẹ sai vợ làm việc này
việc nọ, bèn nói:
- Bà già lắm mồm, đứa con dâu còn non xương non da, sao bà cứ sai làm
suốt ngày, việc trong nhà làm cả ngày cũng không hết được!
- Thì chẳng qua tao yêu quý nó, mới dạy nó làm cho quen đi, - mẹ nói, - để
sau này khỏi phải tan cửa nát nhà. Đã như thế thì từ nay tao cũng chẳng
thèm nới nữa, xem ai sẽ hại ai!
Về sau phàm có việc gì Ngạn Trân đều làm thay và cũng không làm việc
đồng áng nữa. Diễm Cô biết được tính chồng, càng lười nhác, ngay chiếc
chổi đổ cũng không dựng lên. Mẹ thấy con bênh vợ chằm chằm, cũng
chẳng nói nhiều. Cha thấy như thế không được, bèn giục con đi buôn, nói
mãi tới nửa năm nó mới chịu đi. Diễm Cô về nhà mẹ đẻ. Khi nào chồng về
mới về. Qua hai năm, mẹ thúc giục quá, mới cãi nhau với chồng, không cho
chồng đi. Ngạn Trân thấy nhiều lãi, đi thêm mấy chuyến nữa. Diễm Cô
thấy chồng ở ngoài chơi gái, chửi vỗ vào mặt chồng:
- Ngươi là đàn ông mà bạc tình bạc nghĩa, chỉ cốt đi xa để ăn nằm với hết
đứa này đến đứa khác, mặc ta ở nhà vò võ một mình, suốt ngày cứ như đứa
câm, ban ngày làm việc tối mắt tối mũi, đêm đến bên đông bên tây người ta
hú hí với nhau, ta một thân một mình trùm chăn ngủ, mắt cứ chong chong
cho đến sáng, sao mà không đau lòng. Nếu lại đi, thì ta liều chết với ngươi.