nền tảng của sức mạnh, đó là yếu tố bắt mọi người phải e sợ quyền lực, đó
là chỗ dựa của trật tự bình thường trên thế giới.
Vậy mà gã Giêsu kia, cái gã khăng khăng bám lấy đạo thuyết của mình
và định san bằng mọi người, từ hoàng đế cho đến tên nô lệ, bởi vì theo lời
hắn thì Chúa Trời là duy nhất và mọi người đều bình đẳng trước Chúa. Cái
tên Giêsu ấy lại khẳng định: Vương quốc chính nghĩa sẽ đến với mọi người.
Hắn làm rối loạn đầu óc kẻ khác, kích động bọn hạ lưu, định sắp đặt lại thế
giới theo kiểu riêng của mình. Và kết quả ra sao? Vẫn đám đông ấy về sau
đã đánh đập gã và nhổ vào mặt gã, cái tên giả mạo tiên tri, cái tên lừa bịp và
dối trá ấy… Tuy nhiên, hắn là con người như thế nào nhỉ? Mặc dù tình thế
hết sức tuyệt vọng, hắn vẫn xử sự cứ như kẻ chịu thất bại không phải là hắn
mà là những người kết án hắn…
Đó là ý nghĩ của viên tổng đốc Pônti Pilát, phó vương của hoàng đế La
Mã. Có thể nói, chính ông ta là một tiểu hoàng đế, ít ra thì cũng tại phần đất
này của vùng Địa Trung Hải, trong lúc ông ta tạm thời bỏ dở cuộc thẩm
vấn, để Giêsu ở lại một mình một bóng trong vài phút mà cảm thấy vực
thẳm hoác miệng dưới chân. Phải bẻ gãy tinh thần hắn, phải bắt hắn bò lê
một cách nhục nhã, phải buộc hắn từ bỏ Chúa Trời duy nhất cho mọi người,
từ bỏ sự bình đẳng của tất cả mọi người để rồi sau đó thì tống cổ hắn ra cái
vùng đất Ixraen như quẳng đi một tên đê tiện đã bị gãy gục xương sống,
mặc cho hắn sống vất vưởng rồi biến mất tăm, và nếu như hắn sống nổi một
thời gian ngắn nữa thì bọn học trò đã mất lòng tin vào hắn chắc chắn cũng
kết liễu đời hắn…
Viên tổng đốc Pônti Pilát hết sức giàu kinh nghiệm vừa suy nghĩ như vậy
để đánh tan những mối nghi ngờ của mình, vừa tìm kiếm phương pháp diệt
trừ tên phản loạn mới xuất hiện này một cách đúng đắn nhất, có lợi nhất và
có tác dụng thị uy nhất. Khi rời khỏi gác sân Vòm Uốn, ông ta cho rằng khi
còn lại một mình một bóng, tên tử tội kia sẽ cảm thấy nguy cơ đang đe doạ