chuyện ấy không phải là không liên lạc với điều nhận xét của y: ông thầy có
nhiều cái mâu thuẫn nhau. Tượng của ông thầy tạc, ít ra những pho tượng
đẹp nhất, đối với y là những kiểu mẫu đáng kính, nhưng thầy ấy nhất định
không phải là gương mẫu cho y theo.
Bên cạnh người nghệ sĩ đã khắc pho tượng Thánh Mẫu với cái miệng đau
khổ, bên cạnh người thông thái có thần thị, có hai tay khéo léo để nặn thành
hình tướng những kinh nghiệm thầm kín, những trực giác sâu xa, còn có một
cá nhân thứ hai của thầy Niklaus: một người cha, một người chủ phường
đoàn hơi khắc nghiệt và chi ly, một người góa vợ sống cuộc đời tẻ ngắt và
tầm thường trong nhà với con gái và mụ hầu, một người luôn luôn dè chừng
thói mê say liều lĩnh của Goldmund, tuy y đã thích ứng với cuộc sống yên
lặng, lùi xùi, ngăn nắp và đứng đắn.
Tuy Goldmund tôn kính thầy, tuy không bao giờ y hỏi chuyện người khác về
thầy hay nói xấu nói tốt thầy trước mặt ai, nhưng chỉ độ một năm sau y biết
rõ từng chi tiết nhỏ về cái gì có thể biết được của ông thầy. Y không thể có
thái độ dửng dưng đối với thầy được, y vừa yêu thầy lẫn ghét thầy, lòng
không được yên ổn. Với sự sáng trí của người vừa yêu vừa ngờ vực, với
tánh hiếu kỳ luôn luôn tỉnh táo, y thấu đáo được những bí mật của bản chất
và đời sống ông thầy. Y nghiệm ra Niklaus không chịu đựng được có học trò
hay thợ bạn trong nhà, tuy nhà không thiếu chỗ rộng, ông đi ra ngoài rất ít
và ít khi đón khách đến nhà. Y để ý thấy ông yêu mến con gái một cách cảm
động và hiềm tỵ không muốn để con gái gần ai. Y cũng biết rằng người đàn
ông góa vợ sớm phải cố nén lòng dục này còn phơi phới xuân tình, khi phải
đi nhận mối của khách hàng ở xa, ông có thể thay đồi tính nết, ông có thể
tìm lại tuổi trẻ trong một vài ngày. Đã có lần y thấy Niklaus đến một tỉnh
nhỏ đóng một cái giảng đàn, tối đến ông lẻn đi với một cô gái điếm, mấy
ngày sau ông ta ra bộ áy náy và trở nên gắt gỏng.
Ngoài chuyện lạ tai ấy, còn một chuyện nữa lâu ngày làm cho y muốn ở lại
đây, y bận tâm suy nghĩ mãi. Đó. là cô Lisbeth duyên dáng mà y thích lắm.
Y không có dịp thấy mặt nàng, nàng không bao giờ bước tới xưởng và y
không biết vốn tính nàng đoan trang và ghét đàn ông hay chỉ tại cha nàng
bắt phải như thế. Y không thể không để ý đến việc ông thầy không để mình