Trước còn chuyện buôn bán, sau đến chuyện thời cuộc rồi lân la đến
chuyện khởi nghĩa Thái Nguyên. Giữa hai người, một sự thân mật kín đáo
bỗng chớm nở và sau cuộc gặp gỡ đó, hai người hình như đã cảm thông với
nhau và bắt đầu quyến luyến nhau. Buổi chiều hôm ấy, cô Hai Trà về nhà
nét mặt tươi tỉnh, suốt đêm cô thấp đèn trong buồng khâu vá dọn dẹp cẩn
thận. Sáng hôm sau, cô lại đeo cái đẫy đi chợ nhưng trong đẫy không xếp
vải mà toàn quần áo cũ. Và cũng bắt đầu từ hôm ấy, cô đi biệt tích. Cả nhà
xô nhau đi tìm luôn trong mấy hôm nhưng nào có thấy bóng dáng con
người bí mật ấy? Nửa tháng sau, cụ Chánh được tin cô gia nhập đảng Đội
Cấn ở núi Phao, thì tê tái cả cõi lòng nhưng không khỏi khâm phục tư
tưởng cao cả của cô gái yêu đã biết chọn con đường chính nghĩa để theo
trong khi hàng vạn các thiếu nữ khác đang chìm đắm vào trong vòng thị
dục tầm thường.
°° °
Cách núi Phao chừng năm cây số, một thị trấn nho nhỏ được thiết lập
trên sông Lục Đầu, dưới một rặng cây um tùm, mát mẻ. Từ thị trấn này, ta
có thể về Đông Triều do một con đường lớn mới đắp xong, hay cứ thẳng bờ
đê, thì về Bắc Ninh, sau khi đã vượt qua một khu rừng rậm. Giữa thị trấn,
một đồn lính tập xây trên một trái đồn cao, bao quát cả một vùng hoang vu.
Đứng trên đồn, ta có thể một mặt trông sang huyện Yên Dũng, một mặt
trông về núi Phao, vì thế mà đồn binh này đã trở nên một vị trí quan trọng,
có thể liên lạc với Bắc Ninh và Đông Triều do hai đường thủy bộ đều tiện
lợi. Quân đội đóng ở đồn này gồm một trăm hai chục lính Lê Dương, hai
trăm lính tập, võ trang đầy đủ. Ngoài ra lại thêm mấy khẩu súng liên thanh,
và một cỗ đại bác 75 ly. Sĩ quan gồm có bốn thiếu úy, dưới quyền điều
khiển của Đại úy Monille.
Chung quanh trại lính, nhà cửa làm rất nhiều, dân cư ở đông đúc, chợ
búa sầm uất, xe ngựa đi lại rầm rập suốt ngày. Thôi thì đủ các trò giải trí,
nào sòng bạc, nhà hát cô đầu, rạp tuồng. Các chú lính tập, đầu kỳ lương sẵn