còn ông Nam tước cũng sống qua khỏi chiến tranh, nhưng tôi rất buồn nói
cho anh biết ông ta trầm mình tự vẫn trong cái hồ đẹp đẽ của mình sau khi
chức danh và nhiều tài sản của ông ta bị tước đi. Tôi nghĩ là ông ta không
thể sống nổi cuộc sống mà ông không còn được tự do làm theo những ý
nghĩ điên khùng của mình nữa.
Còn về phần bà Mẹ, tôi luôn luôn tin rằng bà sẽ sống còn với tài năng kiếm
lợi trên sự đau khổ của người khác, bà dấn thân vào công việc làm ăn ở chợ
xám, như thể bà đã làm ăn lâu ngày ở thị trường này rồi vậy. Bà ta nhờ
chiến tranh mà giàu thêm chứ không phải nghèo đi bằng cách buôn bán các
thứ di vật của người khác. Bất cứ khi nào ông Arashino bán một chiếc
kimono trong số áo của mình để thêm vốn làm ăn, ông ta nhờ tôi đến tiếp
xúc với bà Mẹ để bà có thể cho ông chuộc lại. Anh biết không, nhiều áo
kimono bán ở Kyoto đều qua tay bà. Ông Arashino có lẽ hy vọng Mẹ sẽ hy
sinh lợi nhuận để giữ kimono của ông vài năm cho đến khi ông có tiền mua
lại, nhưng chắc không bao giờ ta có thể tìm ra chúng, hay ít ra, đấy là
chuyện bà ta nói.
Gia đình Arashino đối xử với tôi rất tử tế trong những năm tôi sống với họ.
Ban ngày, tôi làm việc may dù với họ. Ban đêm tôi ngủ với cô con và đứa
cháu ngoại của họ trên tấm đệm trải trên nền xưởng thợ. Chúng tôi có rất ít
than, nên dùng lá ép để sưởi ấm – hay là giấy báo, nghĩa là bất kỳ cái gì
chúng tôi kiếm được. Dĩ nhiên thực phẩm càng khan hiếm, anh không thể
tưởng tượng ra nổi những thứ chúng tôi ăn, như bã đậu nành thường làm
thức ăn gia súc, và một thứ rất ghê tởm mà chúng tôi gọi là “Nukapan”, đó
là thức ăn gồm cám gạo rang trộn với bột lúa mạch. Trông như da khô lâu
ngày, nhưng tôi cảm thấy da e còn ngon hơn thứ này. Rất hiếm khi mới ăn
được một ít khoai tây hay khoai lang, thịt cá voi phơi khô, xúc xích bằng
thịt hải cẩu, và thỉnh thoảng có cá mòi, thứ mà người Nhật thường dùng
làm phân bón. Tôi gầy tong teo đến nỗi khi đi trên đường phố Gion, không
ai nhận ra tôi. Vài ngày, đứa cháu ngoại của ông Arashino, bé Juntaro, lại
khóc kêu đói – thế là ông Arashino quyết định đem một cái kimono đi bán.
Cuộc sống như thế này người Nhật gọi là “cuộc sống củ hành”, lột lần ra
mà sống.