ĐÔI LỨA XỨNG ĐÔI - Trang 7

Điều đáng kể là Nam Cao không chỉ mô tả những nông dân lưu manh hóa
như những con người bị tha hóa, mất nhân tính, trở thành những công cụ
gieo rắc tội lỗi, gieo rắc sự kinh hoàng vào đời sống làng quê. Ở nhân vật
Chí Phèo, như nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra, Nam Cao đã cho thấy cả xu thế
tha hóa, vật hóa, phi nhân hóa ở những nông dân lưu manh hóa, lại cũng
cho thấy cả sự cưỡng lại quá trình vật hóa, phi nhân hóa ở những nông dân
ấy. Việc Chí Phèo đến nhà Bá Kiến đòi “được làm người lương thiện”, rồi
biết rằng không thể nào xóa đi những tội lỗi mình từng gây ra theo lệnh
viên kỳ mục ấy, Chí xông đến giết lão rồi tự sát, - hành vi ấy được nhiều
nhà nghiên cứu xem như biểu hiện sự cưỡng chống quyết liệt trước xu thế
tha hóa ấy của người nông dân, của con người nói chung.
Đặc sắc ngôn ngữ của Nam Cao trong truyện “Chí Phèo” là, hầu như lần
đầu tiên trong văn xuôi tự sự nghệ thuật tiếng Việt ở thời đại mới, nhà văn
đưa ra một kiểu lời kể như là của kẻ đứng bên trong nhân vật, hoặc thường
là đứng kề nhân vật. Kiểu lời kể của kẻ hình như đứng bên trong nhân vật
khiến cho việc mô tả các biến động tâm lý nhân vật trở nên hết sức năng
động. Những cơn say của Chí Phèo, những mạch suy nghĩ của y, sự chuyển
hướng bất ngờ của y từ suy nghĩ sang hành động... - tất cả những mảnh vụn
đều trở nên liền lạc, hữu lý, do giác độ “kề cận nhân vật” này của người kể
chuyện.
Thật ra, Nam Cao vẫn sử dụng ngôn ngữ tự sự kiểu “cổ điển”, thường
xuyên nhất vẫn là dùng lời kể từ ngôi thứ ba (“vô hình”, “biết tuốt”), nhưng
lời văn kể chuyện, dưới tay bút Nam Cao, dường như không cũ đi, với thời
gian.
Bên cạnh truyện “Đôi lứa xứng đôi” (tức “Chí Phèo”), trong tập truyện đầu
tay này của Nam Cao còn 6 truyện ngắn khác. Các truyện “Nguyện vọng”,
“Hai khối óc”, “Giờ lột xác”, “Cái chết của con mực” đều nói về những
khía cạnh đời sống của giới trí thức nghèo, - viên chức nhỏ, nhà giáo,... cái
giới sẽ còn được Nam Cao tiếp cận khai thác bằng những sáng tác hay hơn,
kết tinh hơn, về sau. Hai truyện “Chú Khì người đánh tổ tôm vô hình”, “Ma
đưa” thuộc loại truyện ma, trong đó Nam Cao ghi lại những nét thuộc đời
sống tâm linh, tâm thức dị đoan của người dân các làng quê thời ông.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.