Bà lão vội vàng ăn ngay. Nhưng họ ăn nhanh quá. Mọi người đều lặng
lẽ, cắm cúi, mải mốt. Đôi đũa này lên lại có đôi khác xuống. Liên tiếp luôn
như vậy. Cứ tăm tắp tăm tắp. Tay bà lão lờ rờ, không biết lợi dụng lúc nào
để gắp rau vào bát mắm. Lập cập quá, bà đánh rơi cả mắm ra ngoài bát. Bà
phó lại cạu mặt, gắt:
- Sẻ riêng cho bà ấy một cái bát, để ra cạnh mâm cho bà ấy.
Một cô vội làm ngay. Từ đấy, bà lão dễ xoay xở hơn một chút. Nhưng
bà mới ăn chưa hết hai lượt cơm thì bà phó đã quăng bát đũa xuống đất.
Chỉ một thoáng sau, mọi người khác cũng thôi. Họ thôi gần đều một lượt.
In như bà mẹ ra hiệu cho họ vậy. Thật ra thì lệ mỗi người chỉ được ăn có ba
vực cơm thôi. Mà phải ăn nhanh để còn làm. Nhưng bà lão nhà nghèo, đã
quen sống vô tổ chức, làm gì hiểu trong những nhà thừa thóc, thừa tiền, lại
có sự hạn chế miệng ăn như vậy? Bà đoán rằng họ khảnh ăn. No dồn, đói
góp. Người đói mãi, vớ được một bữa, tất bằng nào cũng chưa thấm tháp.
Những người no mãi, người ta có cần ăn nhiều lắm đâu. Vậy thì bà cứ ăn
đi. Ăn đến kỳ no. Đã ăn rình thì ăn ít cũng là ăn. Đằng nào cũng mang tiếng
rồi thì dại gì mà chịu đói? Bà ăn nữa thật. Cái đĩ ngượng quá, duỗi cổ ra,
trợn mắt, nuốt vội nốt mấy miếng cơm còn lại như một con gà con nuốt
nhái. Rồi nó buông bát đũa. Bà bảo cháu:
- Ăn nữa đi con ạ. Nồi còn cơm đấy. Đưa bát bà xới cho.
Nó chưa kịp trả lời thì bà phó đã mắng át đi:
- Mặc nó! Nó không ăn nữa! Bà ăn bằng nào cho đủ thì cứ ăn!
À! Bây giờ thì bà lão hiểu. Người ta đứng lên tất cả rồi. Chỉ còn mình
bà lão ngồi ăn với bà phó Thụ ngồi lại để lườm với nguýt. Nhưng bà lão
còn thấy đói. Còn cơm mà thôi ăn thì tiếc. Vả đã đi ăn chực thì còn danh
giá gì mà làm khách. Bà cứ ăn như không biết gì. Đến khi bà đã tạm no, thì